Người phát ngôn của Cơ quan Quốc gia chống COVID-19 của Iran, ông Alireza Raisi cho biết Tehran đã chi 52 triệu USD mua 16,8 triều liều vaccine từ chương trình COVAX để tiêm phòng cho 8,4 triệu người.
Theo kế hoạch, số vaccine này sẽ đến Iran trong vòng 2 tháng tới, giúp đáp ứng nhu cầu tiêm phòng trước khi nước này bắt đầu tự sản xuất vaccine. Bên cạnh đó, Iran có thể nhận được 2,6 triều liều vaccine từ Nga và Trung Quốc.
Iran đã bắt đầu thử nghiệm ở người loại vaccine nội địa vào ngày 29/12/2020. Tính đến ngày 17/1, Iran có tổng cộng 1.330.411 ca nhiễm và 56.803 ca tử vong do COVID-19.
* Cùng ngày, Bộ Y tế Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo sẽ hạ độ tuổi tối thiểu tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ 18 tuổi xuống 16 tuổi.
UAE đang cấp miễn phí vaccine của Sinopharm (Trung Quốc) cho công dân và người sinh sống tại nước này. Riêng tiểu vương quốc Dubai cho phép người dân lựa chọn giữa vaccine của Sinopharm và vaccine do Pfizer-BioNTech sản xuất. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý khủng hoảng và thảm họa khẩn cấp quốc gia UAE không nêu rõ độ tuổi tối thiểu tiêm phòng đối với mỗi loại vaccine.
* Trong khi đó, Israel thông báo bắt đầu tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho các tù nhân, bao gồm cả tù nhân người Palestine.
Thông báo nêu rõ sau khi tiêm phòng cho các nhân viên nhà tù, nhà chức trách sẽ bắt đầu tiêm phòng cho tất cả các tù nhân theo đúng quy trình y tế. Hiện có 20 tù nhân đã được tiêm phòng mũi đầu tiên.
Trước đó, các nhóm hoạt động, Bộ trưởng Tư pháp Israel Avichai Mandelblit và Tổ chức Giải phóng Palestine đã kêu gọi Israel tiêm phòng cho khoảng 4.400 tù nhân Palestine. Theo thống kê, khoảng 250 tù nhân Palestine tại Israel đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19.
Về phần mình, Chính quyền Palestine (PA) xác nhận đã ký hợp đồng mua vaccine với 4 nhà cung cấp, trong đó có vaccine Sputnik V của Nga. PA dự kiến sẽ nhận được đủ vaccine cho 70% người Palestine, bao gồm ở Bờ Tây và Dải Gaza, vào giữa tháng 3 tới.
* Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 18/1, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun thông báo loại thuốc nội địa đầu tiên của Hàn Quốc điều trị COVID-19 dự kiến sẽ được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở nước này bắt đầu từ đầu tháng 2 tới.
Phát biểu trong cuộc họp liên ngành về ứng phó dịch COVID-19 được tổ chức tại tòa nhà Chính phủ ở thủ đô Seoul, Thủ tướng Chung Sye-kyun nêu rõ các cơ quan y tế đã triệu tập Hội đồng chuyên gia để xem xét tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc nội địa do hãng dược phẩm Celltrion sản xuất. Theo ông Chung Sye-kyun, chính phủ sẽ công bố kết quả cuộc họp vào cuối ngày 18/1. Nếu quá trình đánh giá thuận lợi, Chính phủ Hàn Quốc hy vọng loại thuốc này sẽ được sử dụng từ đầu tháng tới.
Tuần trước, Celltrion thông báo đã tiến hành thử nghiệm ở 327 bệnh nhân COVID-19 để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của CT-P59, còn được gọi là thuốc Regdanvimab. Công ty này khẳng định CT-P59 làm giảm tới 54% số bệnh nhân COVID-19 trở nặng và cần được chăm sóc tại bệnh viện. Trước đó, Celltrion đã nộp đơn xin cấp phép lưu hành thuốc lên Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 389 ca COVID-19, trong đó có 366 ca lây nhiễm trong nước. Thủ tướng Chung Sye-kyun nhấn mạnh đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong ngày tại Hàn Quốc giảm xuống mức trên 300 ca kể từ tháng 11 năm ngoái.
Tính đến ngày 18/1, Hàn Quốc có tổng cộng 72.729 ca nhiễm và 1.264 ca tử vong do COVID-19.