Iran kêu gọi Mỹ ngừng gây sức ép tối đa

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã kêu gọi Mỹ chấm dứt chính sách "gây sức ép tối đa" đối với nước này, đồng thời khẳng định Tehran sẽ giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nếu cần thiết.

Chú thích ảnh
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại một sự kiện ở Tehran ngày 22/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 10/9, Đài Truyền hình nhà nước Iran dẫn phát biểu của Tổng thống Rouhani trong cuộc họp nội các khẳng định Mỹ cần hiểu rằng đối đầu không có lợi và cần phải từ bỏ chính sách gây sức ép tối đa đối với Iran.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh Tehran sẵn sàng tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), chỉ khi Washington cũng có động thái tương tự.

Tổng thống Rouhani nêu rõ Tehran đã nhiều lần khẳng định chính sách hạt nhân hòa bình và cách tiếp cận của Iran trong JCPOA là trách nhiệm thực thi cam kết. Ông cảnh báo Tehran sẽ có thêm nhiều bước đi nữa nếu cần thiết.

Trong khi đó, hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn lời đại diện của Iran tại Liên hợp quốc, ông Majid Takht-Ravanchi, đã bác bỏ khả năng về cuộc gặp giữa Tổng thống Rouhani với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi Nhà Trắng phát đi tín hiệu sẵn sàng tiến hành một cuộc gặp như vậy.

Đại sứ Ravanchi khẳng định quan điểm của Tổng thống Rouhani rằng các cuộc đàm phán sẽ không thể diễn ra chừng nào Chính phủ Mỹ tiếp tục các biện pháp trừng phạt "hà khắc" và "khủng bố kinh tế" nhằm vào người dân Iran. Quan chức Iran nêu rõ mọi cuộc gặp phải diễn ra trong khuôn khổ nhóm các cường quốc tham gia ký thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2015.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Tổng thống Trump sẵn sàng gặp Tổng thống Rouhani vô điều kiện trong khi vẫn duy trì "sức ép tối đa" đối với Tehran.

Ý tưởng về cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Iran được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu ra từ tháng trước sau khi ông có cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Pháp.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các nước châu Âu đã quyết định duy trì JCPOA và sẽ tiếp tục nỗ lực tìm giải pháp tránh leo thang căng thẳng.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 giữa Iran và 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Mỹ) cùng Đức. Văn kiện này quy định Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Ngoài ra, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300 kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.

Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông này. Quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía như vụ Iran và Mỹ tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của nhau. Sau đó, Tehran từng bước giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu urani.

Thanh Hương (TTXVN)
Iran 'thở phào' nhẹ nhõm vì Tổng thống Trump sa thải cố vấn ‘diều hâu’
Iran 'thở phào' nhẹ nhõm vì Tổng thống Trump sa thải cố vấn ‘diều hâu’

Người phát ngôn của chính phủ Iran cho biết quốc gia này hoan nghênh quyết định sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN