ISNA dẫn lời ông Kharazi nêu rõ nếu các nước châu Âu không thực hiện các biện pháp trong thời hạn 60 ngày như hạn chót mà Iran đưa ra hồi tháng 5, Tehran sẽ đưa ra các bước đi mới. Theo ông, nếu các nước châu Âu dồn nguồn lực vào Công cụ Hỗ trợ Trao đổi Thương mại (INSTEX) và tạo điều kiện để tiến hành hoạt động giao dịch với Tehran, thì đây sẽ là những bước đi tích cực.
Năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã quyết định đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Tehran với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc gia Hồi giáo. Kể từ đó, EU đã triển khai những biện pháp để né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, trong đó có cơ chế INSTEX, một kênh thanh toán đặc biệt của EU với Iran nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch thương mại không sử dụng đồng USD. Đến tháng 5/2019, Iran tuyên bố sẽ hạn chế các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân nhằm phản đối quyết định của Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt.
Quan ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa hai nước leo thang sau khi Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ 2 tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản bị tấn công ở Vịnh Oman hôm 13/6 vừa qua. Tehran đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc liên quan vụ việc. Tiếp đó, ngày 20/6, Iran thông báo đã bắn hạ máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk của Mỹ vi phạm không phận Iran. Mỹ khẳng định chiếc máy bay này bị hệ thống phòng không của Iran "vô cớ bắn hạ khi đang ở trong không phận quốc tế". Tổng thống Trump đã gọi vụ việc này là “một sai lầm lớn” của Iran và tuyên bố Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran vào tuần tới.
Cùng ngày, trong khuôn khổ chuyến thăm Israel, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định Iran đã cảm nhận được tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ trong bối cảnh Tổng thống Trump đang chuẩn bị áp thêm các lệnh trừng phạt vào ngày 24/6.