Theo truyền hình nhà nước, ông Rabiei nêu rõ: "Đáng tiếc, nhiều người dân Iran bỏ qua lời khuyên từ các quan chức thuộc Bộ Y tế và đã di chuyển trong dịp lễ Năm mới (của Iran). Việc này có thể dẫn tới một làn sóng COVID-19 thứ hai. Việc di chuyển giữa các thành phố đã bị cấm và những người vi phạm sẽ đối mặt với pháp luật".
Ông Rabiei đưa ra lời cảnh báo trên trong bối cảnh nhiều người dân Iran không tuân thủ các khuyến cáo của chính phủ khi hàng trăm người vẫn đổ ra các đường phố để tận hưởng kỳ nghỉ Năm mới kéo dài 2 tuần. Kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 tại tỉnh miền Trung Qom hôm 19/2, đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 27.017 ca mắc bệnh và 2.077 ca tử vong.
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 và tử vong trong nước ngày một tăng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định sẽ áp đặt các biện pháp quyết liệt hơn, trong đó có việc cấm đi lại. Theo nhà lãnh đạo Iran, các biện pháp mới sẽ được áp dụng trong 15 ngày và có thể được tiến hành ngay từ đêm 25/3.
Cùng ngày, Tổng thống Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embalo đã thông báo 2 ca đầu tiên mắc bệnh COVID-19 đầu tiên ở nước này.
Còn tại Ai Cập, Bộ trưởng Y tế Hala Zayed ngày 25/3 cho biết nước này đã phát hiện thêm 40 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 442 ca. Ngoài ra còn có thêm 1 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh này lên 21 ca.
Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập đã bắt đầu công tác phun khử trùng tại khu vực Kim Tự Tháp. Tổng Giám đốc Cơ quan quản lý Kim Tự Tháp Ashraf Mohieddin cho biết việc phun thuốc khử trùng được thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế và sử dụng các loại thuốc được Bộ Y tế cấp phép. Ngày 25/3 cũng đánh dấu ngày đầu tiên Ai Cập áp dụng lệnh giới nghiêm trong thời gian 2 tuần, bắt đầu từ 19h cho đến 6h sáng hôm sau.
Trong khi đó, Nam Sudan đã áp đặt lệnh giới nghiêm trong vòng 30 ngày nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 vào quốc gia Đông Phi này. Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã ban hành một sắc lệnh vào tối 24/3 áp đặt giới nghiêm trên toàn quốc từ 20h đến 6h sáng hôm sau. Toàn bộ các cơ quan an ninh và cơ quan thực thi pháp luật được chỉ đạo để đảm bảo sắc lệnh này được tuân thủ chặt chẽ.
Cho đến nay, Nam Sudan chưa ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nào. Song nước này đã triển khai một số biện pháp phòng ngừa như cấm các cuộc tụ tập đông người, hủy các chuyến bay quốc tế và đóng cửa toàn bộ các cửa khẩu biên giới.
Cũng trong ngày 25/3, các nước khác tại châu Phi tiếp tục thông báo ghi nhận các ca mắc bệnh và tử vong mới như Tunisia (1 ca tử vong và 25 ca mắc bệnh mới), Uganda (5 ca mắc bệnh mới), Nigeria (2 ca mắc bệnh mới)...