Hãng thông tấn IRNA dẫn lời người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami cho biết các vấn đề và các cuộc thảo luận kỹ thuật trong khuôn khổ các cuộc đàm phán ở thủ đô Vienna của Áo đã hoàn tất. Chỉ còn những vấn đề chính trị vẫn tồn đọng, cản trở các bên tiến tới thỏa thuận cuối cùng.
Iran và các nước gồm Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc đã tham gia đàm phán trực tiếp tại Vienna trong gần 1 năm qua nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Mỹ tham gia gián tiếp thông qua trung gian của các nước Liên minh châu Âu (EU). Thỏa thuận có tên gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đối mặt nguy cơ sụp đổ sau khi Mỹ rút khỏi vào năm 2018 và khoảng 1 năm sau Iran cũng bắt đầu thu hẹp các điều khoản tuân thủ theo thỏa thuận.
Mục đích chính của các vòng đàm phán tại Vienna là để đưa Mỹ trở lại thỏa thuận, trong đó có việc thuyết phục Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Tehran và ngược lại, đưa Iran trở lại tuân thủ các cam kết. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn chưa mang lại kết quả cuối cùng khi Mỹ và Iran tiếp tục đổ lỗi cho nhau gây trì trệ.
Một trong những nút thắt trong đàm phán hiện nay là việc Iran yêu cầu Mỹ đưa Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) - lực lượng quân sự tinh nhuệ của Iran chịu trách nhiệm bảo vệ chế độ Hồi giáo trước các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài - ra khỏi danh sách "các tổ chức khủng bố" của Washington. Mỹ đã phản đối yêu cầu này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố: "Nếu Iran muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt không liên quan đến JCPOA, họ sẽ cần phải giải quyết các mối quan ngại không liên quan đến JCPOA của chúng tôi".
Ông Price cũng nhấn mạnh nếu Tehran không đưa các vấn đề song phương khác vào đàm phán hạt nhân, Washington tin rằng có thể nhanh chóng đi đến một sự đồng thuận về JCPOA và bắt đầu tuân thủ thỏa thuận này trở lại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh khẳng định Iran sẽ chỉ trở lại Vienna để ký thỏa thuận, không tiếp tục đàm phán.