Quốc hội Inđônêxia ngày 6/12 đã phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT), 15 năm sau khi ký kết hiệp ước này của Liên hợp quốc (LHQ).
Sau khi được Quốc hội phê chuẩn, nếu CTBT được Tổng thống Inđônêxia Bambang Yudhoyono ký ban hành thì sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Nếu không, hiệp ước này sẽ tự động có hiệu lực sau 30 ngày.
Một vụ thử hạt nhân. Nguồn Internet
|
Phát biểu tại Quốc hội, Ngoại trưởng Inđônêxia Marty Natalegawa cho biết, quyết định trên cho thấy Inđônêxia ủng hộ việc không phổ biến và giải trừ hạt nhân, cũng như các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Ông nhấn mạnh: "Bằng việc tham gia CTBT, Inđônêxia cam kết tham gia tích cực vào nỗ lực tạo các công cụ quốc tế để giải trừ hạt nhân mang tính toàn diện và không áp dụng tiêu chuẩn kép và không phân biệt".
Theo ông Natalegawa, việc phê chuẩn CTBT cũng sẽ giúp Inđônêxia được hưởng lợi từ một hệ thống cảnh báo sớm trong khuôn khổ CTBT nhằm giám sát các vụ nổ hạt nhân trên toàn thế giới. Dữ liệu địa chấn từ hệ thống này cũng giúp cung cấp các cảnh báo sớm về sóng thần, và có thể được dùng vào nhiều ứng dụng khoa học và dân sự khác. Inđônêxia hiện có 6 trạm đo địa chấn thuộc hệ thống này.
CTBT được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10/9/1996 và đến nay đã có 182 quốc gia ký, 156 nước phê chuẩn. Tuy nhiên, hiệp ước sẽ chỉ có hiệu lực sau khi được toàn bộ 44 nước sở hữu công nghệ hạt nhân, trong đó có Inđônêxia, ký và phê chuẩn. Với sự phê chuẩn của Quốc hội Inđônêxia, đến nay mới có 36 nước sở hữu công nghệ hạt nhân phê chuẩn văn bản này.
TTXVN/Tin Tức