Hồi tháng 10 năm ngoái, máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) cũng gặp nạn sau ít phút cất cánh.
Thông báo ngày 5/4 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (KNKT) cho biết hai điều tra viên nước này sẽ tới thủ đô Addis Ababa của Ethiopia từ ngày 15/4. Nhiệm vụ của họ là hỗ trợ điều tra và xem xét dữ liệu để đánh giá sự tương đồng cũng như so sánh những điểm khác biệt trong hai vụ tai nạn.
Giới chức Indonesia cũng cho rằng hiện còn quá sớm để đưa ra các kết luận về nguyên nhân khiến máy bay rơi cũng như về mối liên hệ giữa hai vụ tai nạn vì còn nhiều dữ liệu chưa được phân tích. Ông cho biết cơ quan chức năng hai nước sẽ phối hợp điều tra các thảm họa hàng không này.
Trước đó, trong báo cáo điều tra sơ bộ về vụ tai nạn máy bay Ethiopia công bố ngày 4/4, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Ethiopia Dagmawit Moges cho biết các phi công lái máy bay gặp nạn đã tuân thủ đúng theo quy trình hướng dẫn do hãng sản xuất máy bay Boeing cung cấp, song vẫn không thể giành quyền kiểm soát để điều khiển máy bay.
Bà đề nghị hãng Boeing nên xem xét lại hệ thống kiểm soát máy bay và chỉ khi nào giới chức hàng không xác nhận vấn đề này đã được giải quyết thì loại máy bay này mới được phép trở lại hoạt động.
Mặc dù không đề cập trực tiếp tới Hệ thống Tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS), còn gọi là hệ thống lái tự động trong trường hợp nguy hiểm, vốn được cho là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, song Bộ trưởng Moges có đề cập tới việc máy bay bị chúi đầu xuống trước khi gặp nạn. Bà nhấn mạnh cuộc điều tra vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia không nhằm quy kết trách nhiệm mà mục đích chính là để đảm bảo an toàn hàng không.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 5/4, Cơ quan Hàng không dân dụng Singapore cũng thông báo sẽ cử đại diện tham gia Ban Thanh tra kỹ thuật của Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đánh giá dòng máy bay Boeing 737 MAX này. FAA đã thành lập nhóm chuyên gia quốc tế nhằm đánh giá mức độ an toàn của dòng máy bay này sau hai vụ tai nạn nói trên.