Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Retno nhấn mạnh Indonesia đã nỗ lực củng cố lập trường thống nhất của ASEAN. Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 2 vừa qua đã khẳng định lập trường thống nhất của ASEAN trong cách tiếp cận hoặc xử lý vấn đề Myanmar. Bà cho biết Indonesia cũng đã tích cực phối hợp với các bên liên quan nhằm khuyến khích đối thoại quốc gia bao trùm, phù hợp với sứ mệnh của 5PC. Cụ thể, Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 đã lần đầu tiên gặp gỡ các đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), của nước láng giềng Myanmar, và của cả các nước khác, với mục đích chính là thúc đẩy sự phối hợp và sức mạnh tổng hợp, đồng thời tiếp tục củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.
Cũng theo Ngoại trưởng Retno, Indonesia đã báo cáo các diễn biến liên quan đến Myanmar, đặc biệt là việc thực hiện 5PC, lên Hội đồng Bảo an LHQ trong cuộc họp kín ngày 13/3 vừa qua, trong đó các nước ủy viên HĐBA đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vai trò Chủ tịch ASEAN của Indonesia, vai trò trung tâm của ASEAN và 5PC.
Ngoại trưởng Retno cho biết Indonesia cũng tạo điều kiện nối lại liên lạc và tham vấn với các bên liên quan để Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) có thể phân phối hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo và khuynh hướng chính trị. Nỗ lực của Indonesia đã giúp AHA tham vấn thành công với một số bên liên quan vốn không thể thực hiện được trước đây.
Khẳng định rằng cần có những bước tiến nếu Myanmar muốn đạt được hòa bình bền vững, Ngoại trưởng Retno cam kết Indonesia sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy nhằm tạo thuận lợi cho các cuộc đối thoại bao trùm, cũng như chấm dứt việc sử dụng vũ lực và cho phép tiến hành ngay lập tức hỗ trợ nhân đạo. Cũng theo bà, nước này sẽ duy trì nỗ lực xây dựng lòng tin, cũng như tiếp tục làm “cầu nối” xóa bỏ bất đồng giữa các bên.
Nguyên tắc Đồng thuận 5 điểm do lãnh đạo ASEAN thông qua tháng 4/2021 nhằm hỗ trợ Myanmar ổn định tình hình, tham gia hiệu quả hợp tác ASEAN, xây dựng cộng đồng. Các điểm thống nhất của ASEAN về Myanmar gồm chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và cho phép đặc phái viên ASEAN đến Myanmar.