Ngày 3/5, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, Bộ trưởng Mahfud cho hay số lượng trên được cập nhật cho đến ngày 3/5 và có thể sẽ tiếp tục còn tăng thêm theo thời gian. Ngoài 417 cá nhân trên, theo số liệu thống kê từ phán quyết của các cấp tòa án của Indonesia tính đến ngày 14/4, đã có 99 tổ chức cũng bị liệt vào danh sách các nhóm khủng bố.
Theo ông Mahfud, việc dán nhãn khủng bố cho các nhóm tội phạm có vũ trang (KKB) không chỉ dựa vào mong muốn của chính phủ mà còn có cơ sở pháp lý khá vững chắc, trong đó có Luật số 5/2018 về chống khủng bố.
Ngày 29/4 vừa qua, Chính phủ Indonesia đã liệt các nhóm phiến quân vũ trang tại tỉnh Papua vào danh sách các nhóm khủng bố sau hàng loạt hành động khủng bố do lực lượng này tiến hành từ tháng 4/2021, đặc biệt là vụ sát hại người đứng đầu chi nhánh Cơ quan Tình báo Quốc gia Indonesia (BIN) tại tỉnh Papua, Thiếu tướng Putu I Gusti Putu Danny Karya Nugraha.
Bộ trưởng Mahfud cho rằng đây là một việc làm đúng đắn, đồng thời trích dẫn Luật số 5/2018, theo đó các phần tử khủng bố được định nghĩa là bất kỳ đối tượng nào lên kế hoạch, vận động và tổ chức các hành động khủng bố.