Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Lực lượng Đặc nhiệm xử lý COVID-19 của Indonesia cho biết thủ đô Jakarta phát hiện nhiều ca mắc mới nhất với 10.117 ca, tiếp theo là tỉnh Tây Java với 7.308 ca và tỉnh Banten với 4.312 ca. Trong ngày 3/2, Indonesia cũng có thêm 38 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 144.411 ca.
Chính phủ Indonesia tiếp tục kêu gọi người dân tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID-19, cụ thể là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và duy trì khoảng cách. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng kêu gọi người dân hưởng ứng chương trình tiêm phòng COVID-19 đang được tổ chức miễn phí.
Hiện Indonesia đã bắt đầu cung cấp mũi vaccine thứ 3 cho người dân. Cho đến nay, hơn 45,9% dân số đủ điều kiện tiêm chủng ở nước này (125 triệu người) đã hoàn thành liều cơ bản.
* Tại Nhật Bản, số ca mắc mới COVID-19 đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 100.000 ca/ngày.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong 24 giờ tính đến 18h ngày 3/2 (giờ địa phương), Nhật Bản ghi nhận thêm 104.470 ca mắc COVID-19. Số ca bệnh nặng cũng lần đầu tiên tăng ở mức trên 900 ca sau thời gian hơn 4 tháng, kể từ cuối tháng 9/2021.
Hai địa phương ghi nhận số ca mắc mới tăng cao tiếp tục là thủ đô Tokyo với 20.676 ca và Osaka với 19.615 ca. Chính quyền thủ đô Tokyo đã quyết định nâng cấp độ cảnh báo của hệ thống y tế lên mức cao nhất trên thang cảnh báo gồm 4 cấp độ sau khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh lên tới 53,1%, tăng 1,7% so với ngày 2/2.
Làn sóng dịch lần thứ 6 tại Nhật Bản bùng phát từ đầu năm 2022 đã khiến số ca mắc mới COVID-19 ở nước này tăng cao chưa từng thấy. Tháng 8/2021, Nhật Bản ghi nhận mốc 1 triệu ca mắc COVID-19 và chỉ sau 5 tháng, con số này tăng gấp đôi lên 2 triệu ca. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian 2 tuần, số ca mắc mới tại Nhật Bản đã tăng thêm 1 triệu ca, đưa tổng số ca mắc lần đầu tiên vượt mốc 3 triệu ca.
Trong bối cảnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa tỉnh Wakayama vào danh sách các địa phương triển khai biện pháp phòng dịch trọng điểm, thời gian áp dụng từ ngày 5-27/2. Như vậy, tổng số địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại Nhật Bản sẽ là 35/47 tỉnh, thành phố.