IMF và Moody's cảnh báo nợ của Mỹ

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's vừa cảnh báo về tình trạng nợ của Mỹ, đồng thời cho rằng nếu không sớm nâng mức trần nợ, nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thị trường toàn cầu.

Trong báo cáo thường niên về tình hình tài chính của Mỹ, IMF nêu rõ nếu Mỹ không sớm nâng mức trần nợ nhằm thực hiện các cam kết chi tiêu, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến các thị trường toàn cầu.

IMF nhấn mạnh: "Oasinhtơn cần phải thúc đẩy sự ổn định chính sách tài chính vì gánh nặng nợ hiện nay của Mỹ là không bền vững, trong khi tình trạng bị hạ thấp tín nhiệm tài chính sẽ gây tác hại cực lớn. Thách thức chính hiện nay của Mỹ là củng cố một nền tài chính bền vững và lâu dài trong khi đảm bảo đà phục hồi kinh tế còn mong manh hiện nay không bị chệch hướng".

IMF cho rằng, bất chấp gánh nặng nợ nần đang ở ngưỡng nguy hiểm, Mỹ cần phải tăng mức trần nợ 14,29 nghìn tỷ hiện nay nhằm tránh nguy cơ không trả được nợ và gây cú sốc nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính toàn cầu. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng Mỹ có thể buộc phải hoãn thanh toán các khoản vay bắt đầu từ ngày 2/8 nếu mức trần nợ không được nâng lên.

Theo đánh giá của IMF, kinh tế của Mỹ sẽ vẫn tăng trưởng chậm, ở mức 2,5% trong năm 2011 và 2,7%/năm trong năm 2012 và 2013, với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự "uể oải" của thị trường nhà ở trong nước là những rào cản lớn. IMF cho rằng đà tăng trưởng chậm lại trong nửa đầu năm 2011 - với mức tăng 1,9% được ghi nhận trong quý I - một phần là do giá dầu cao và các "nhân tố nhất thời" như tình trạng gián đoạn chuỗi cung linh kiện sau trận động đất, sóng thần hôm 11/3 ở vùng Đông Bắc Nhật Bản gây ra.

Khi đề cập đến cuộc tranh cãi gay gắt hiện nay giữa chính quyền của Tổng thống Barack Obama và các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hoà về cách thức giải quyết vấn đề nợ và thâm hụt ngân sách khổng lồ, IMF cảnh báo các đề xuất cắt giảm thâm hụt ngân sách, được đưa ra hồi tháng 2 vừa qua, có thể là "quá lớn và quá nhanh", trong bối cảnh đà phục hồi kinh tế vẫn còn yếu ớt.

Tuy nhiên, định chế tài chính đa phương toàn cầu này cũng chỉ ra rằng các mức cắt giảm như vậy có thể vẫn không đủ để giúp ổn định tình hình nợ vào giữa thập niên này. IMF đề xuất Oasinhtơn cần có một "chiến lược bền vững" trong 5 năm tới tính từ tài khoá bắt đầu vào tháng 10/2011 nhằm giảm thâm hụt ngân sách và ổn định nợ. Kế hoạch này cần phải bao gồm việc giảm chi tiêu, tăng thu ngân sách và cải cách hệ thống trợ cấp y tế và hưu trí đối với các quan chức cấp cao. Theo IMF, Mỹ cũng nên cân nhắc khả năng tăng thuế doanh số cũng như các mức thuế đánh vào khí thải cácbon.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau khi IMF công bố báo cáo nói trên, Tổng thống Obama kêu gọi những người phản đối hãy đồng thuận trong quyết định nâng mức trần nợ, và nói rằng động thái này có liên quan trực tiếp đến nỗ lực tạo việc làm, giữa lúc kinh tế Mỹ đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao hiện nay. Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đang chống lại đề xuất tăng mức trần nợ, đồng thời hối thúc chính quyền Oabama giảm chi tiêu và thu hẹp thâm hụt ngân sách.

IMF cũng cảnh báo rằng nguy cơ từ các biến cố và xu thế tiêu cực như sự yếu kém kéo dài của thị trường nhà ở; lãi suất đi vay của Mỹ tăng đột ngột; các đợt tăng mạnh mới của giá dầu và các hàng hoá khác; cũng như các cú sốc mới từ cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu - vốn làm cho tình hình tài chính của Mỹ ngày càng xấu thêm.

Trong khi đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng cho rằng nếu mức trần nợ của Mỹ không được nâng lên vào ngày 2/8 tới, Chính phủ Mỹ có thể sẽ mất khả năng thanh toán các khoản nợ. Theo Moody's, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức xếp hạng tín dụng của các doanh nghiệp cũng như các nhà phát hành trái phiếu của Mỹ.

Nguyễn Trường
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN