Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva bày tỏ lo ngại nền kinh tế của một số quốc gia có thể sụp đổ nếu các nước G20 không nhất trí đẩy nhanh việc tái cấu trúc và cho các nước nghèo hoãn thanh toán nợ, ngoài ra các chủ nợ tư nhân cũng cần đưa ra các biện pháp cứu trợ.
Bà Georgieva cho biết nếu không gia hạn Sáng kiến DSSI, các nước nghèo sẽ phải đối mặt với áp lực tài chính và cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 bùng phát và chính sách tăng lãi suất trước tình hình lạm phát gia tăng.
Theo bà Georgieva, thách thức từ các khoản nợ đang gây áp lực đối với nhiều quốc gia, đặc biệt các quốc gia có thu nhập thấp, đồng thời đặt ra yêu cầu cần phải hành động cấp thiết. Sự xuất hiện của biến thể Omicron gần đây là lời cảnh báo rõ ràng rằng đại dịch vẫn sẽ tồn tại lâu dài.
Sáng kiến DSSI, được G20 khởi xướng hồi năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nặng nề lên các nước nghèo, cản trở nỗ lực của các chính phủ trong việc trả các khoản nợ và hỗ trợ người dân. Sáng kiến này cho phép hoãn thanh toán nợ đối với 73 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình và sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2021 sau khi được gia hạn một năm. Mặc dù vậy, IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây đã hối thúc các quốc gia cho vay cần hành động nhiều hơn để giúp giải quyết gánh nặng nợ ngày càng gia tăng.
WB ước tính gánh nặng nợ ở các nước nghèo đã tăng 12%, lên mức kỷ lục 860 tỷ USD trong năm 2020 trong giai đoạn đại dịch. Bà Georgieva cho biết khoảng 60% các nước có thu nhập thấp đang đối mặt với nguy cơ hoặc đang gặp khó khăn về nợ.
Với tình hình lạm phát gia tăng tại các nền kinh tế lớn, các ngân hàng trung ương đang rút lại các biện pháp kích thích kinh tế và dự kiến nâng lãi suất vào năm tới. Điều này sẽ làm tăng chi phí nợ đối với các quốc gia nghèo và có khả năng dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi các quốc gia này. Tổng giám đốc IMF cảnh báo năm 2022 sẽ khó khăn hơn nhiều với việc thắt chặt các điều kiện tài chính quốc tế.