IAEA nhận định về hoạt động của Iran tại nhà máy Fordow 

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 20/6 cho thấy Iran sẽ tăng cường làm giàu urani hơn nữa khi chuẩn bị đưa vào vận hành máy ly tâm IR-6 tân tiến tại cơ sở ngầm Fordow. 

Chú thích ảnh
Bên trong cơ sở hạt nhân Fordow ở Qom, miền Bắc Iran ngày 6/11/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tầng, hoặc cụm, gồm 166 máy là tầng IR-6 thứ hai được lắp đặt tại Fordow, một địa điểm nằm sâu bên trong một ngọn núi và đây là tầng duy nhất có khả năng giúp làm giàu urani ở các độ tinh khiết khác nhau dễ dàng hơn. Theo báo cáo mật được IAEA gửi tới các nước thành viên hôm 18/6, các thanh sát viên cơ quan này cho biết Iran sẵn sàng nạp khí uranium hexafluoride (UF6) vào tầng hoặc cụm thứ 2 của máy ly tâm IR-6, được lắp đặt tại nhà máy Fordow. Ngày 20/6, Iran cũng thông báo việc nước này bắt đầu oxy hóa - quá trình được thực hiện trước khi làm giàu và liên quan đến việc nạp UF6 vào máy ly tâm. Tuy nhiên, Tehran không cho biết sẽ làm giàu đến mức độ nào.

Trước đây, Iran từng thông báo với IAEA rằng hai tầng IR-6 có thể được sử dụng để làm giàu lên đến 5% hoặc 20% độ tinh khiết. Báo cáo xác nhận việc Iran chưa thông báo về ý định của nước này sau khi thực hiện quá trình oxy hóa. 

Hôm 9/6, Iran thông báo đã ngắt kết nối một số camera giám sát của Liên hợp quốc lắp đặt tại một số nhà máy hạt nhân của nước này. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh IAEA thông qua nghị quyết khiển trách Iran vì thiếu hợp tác. Tổng Giám đốc IAEA xác nhận 27 camera lắp đặt tại các nhà máy hạt nhân Iran đã bị ngắt kết nối, chỉ còn khoảng 40 camera vẫn còn hoạt động, đồng thời cảnh báo động thái này có thể phá hỏng các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 vốn đã rơi vào bế tắc từ tháng 3/2022.

Trong khi đó, Iran cho biết những camera bị ngắt kết nối không nằm trong thỏa thuận bảo vệ đã ký kết với IAEA. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh khẳng định Iran tuân thủ đầy đủ mọi cam kết trong thỏa thuận bảo vệ với IAEA, đồng thời cho biết chỉ dừng một số biện pháp "tự nguyện". Mọi camera bảo vệ của Iran vẫn hoạt động và mọi biện pháp thực hiện dưới sự giám sát của IAEA cũng vẫn được áp dụng.

Năm 2015, Iran đã ký một thỏa thuận với Mỹ và các cường quốc, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo thỏa thuận, Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran. Đáp lại, Iran bắt đầu giảm bớt cam kết trong thỏa thuận từ năm 2019. Đến tháng 4/2021, các bên đã nối lại đàm phán nhằm khôi phục JCPOA tại Vienna (Áo) nhưng đến nay vẫn chưa thể nhất trí một thỏa thuận.

Ngọc Hà (TTXVN)
IAEA hối thúc Iran nối lại đàm phán hạt nhân
IAEA hối thúc Iran nối lại đàm phán hạt nhân

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 12/6 đã hối thúc Iran nối lại tiến trình đàm phán “ngay lập tức” nhằm tránh khỏi một cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến “vô cùng nhiều khó khăn mới” trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN