Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, thông báo trên mạng xã hội Twitter, Đại diện của Iran tại IAEA Kazem Gharibabadi xác nhận công tác cải tiến và lắp đặt các trang thiết bị liên quan, phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đang được triển khai. Trong giai đoạn đầu tiên, uani tự nhiên sẽ được sử dụng để sản xuất kim loại urani. Việc sản xuất được tiến hành tại nhà máy ở thành phố Isfahan. Ông Gharibabadi cho biết Iran đã cung cấp thông tin về nghiên cứu trên tới IAEA và cơ quan này đã tiến hành thanh tra, song không tiết lộ thêm thông tin chi tiết.
Đây được coi là một chủ đề "nhạy cảm" vì kim loại urani có thể được sử dụng trong chế tạo vũ khí hạt nhân. Việc Iran nghiên cứu phát triển sản phẩm từ urani có thể vi phạm những điều khoản nêu trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), mà Tehran đã ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). JCPOA hạn chế việc Iran sản xuất hoặc sở hữu plutoni hoặc urani cũng như các hợp chất chứa chúng trong vòng 15 năm, chỉ cho phép Tehran làm giàu urani ở mức 3,67%, thấp hơn mức 20% mà nước này đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết.
Tuy nhiên, JCPOA bị lung lay kể từ tháng 5/2018, khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm gây áp lực buộc Tehran đàm phán lại thỏa thuận. Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani. Iran khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu urani ở độ tinh khiết 90% - mức để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Mới đây nhất, hồi tháng 12/2020, Quốc hội Iran đã thông qua luật yêu cầu chính phủ nước này mở rộng hoạt động hạt nhân, trong đó có kế hoạch khai trương nhà máy urani ở Isfahan trong vòng 5 tháng. Bên cạnh đó, nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ không được nới lỏng trước ngày 21/2/2021, Iran sẽ đẩy mạnh hoạt động làm giàu urani và sẽ giới hạn vai trò thanh tra của IAEA ở nước này.