Theo hãng tin Reuters (Anh), nhiều người dân ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã trải qua đêm thứ 3 phải ngủ bên ngoài đường phố hoặc trong ô tô khi nhiệt độ giảm xuống mức lạnh giá. Nhà cửa của họ đã bị hư hại, thậm chí bị phá huỷ bởi bởi trận động đất mạnh nhất trong nhiều thập kỷ.
Số người thiệt mạng trong trận động đất cùng những dư chấn mạnh, ước tính lớn hơn rất nhiều so với trận động đất có độ lớn tương tự hồi năm 1999, khiến 17.000 người ở vùng đông dân cư phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.
Tại Hatay, một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất của trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, câu chuyện nhói lòng của anh Abdulalim Muaini trong thảm hoạ đã khiến nhiều người phải cay khoé mắt.
Abdulalim đã bị mắc kẹt trong đống đổ nát suốt 2 ngày qua. Thời điểm lực lượng cứu hộ tìm đến, người đàn ông đã quá yếu ớt, thế nhưng anh vẫn cố gắng để vươn tay ra cầu cứu. Nằm bên cạnh Abdulalim là vợ anh - cô Esra. Esra đã không chờ được tới khi lực lượng cứu hộ tới.
Lực lượng cứu hộ mất một thời gian dài để đưa Abdulalim khỏi đống đổ nát. Khắp người anh được bao phủ bởi lớp bụi xám, một mắt bị sưng lên. Anh bị mất nước và cần chăm sóc y tế.
Abdulalim vẫn còn sống. Nhưng những thành viên còn lại trong gia đình anh thì không. Trên mặt đất có ba thi thể được quấn trong chăn - đó là Esra, Mahsen và Besira.
Cách đó không xa, các nhân viên cứu hộ đã đưa một phụ nữ 60 tuổi bị thương tên Meral Nakir khỏi đống đổ nát của một khu chung cư ở thành phố Malatya, 77 giờ sau khi trận động đất đầu tiên xảy ra.
Tính đến sáng ngày 9/2, số người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 12.873 người. Còn tại Syria, quốc gia đã bị tàn phá bởi gần 12 năm nội chiến, ít nhất 3.000 người đã thiệt mạng, theo Chính phủ và lực lượng cứu hộ ở vùng Tây Bắc do quân nổi dậy kiểm soát.
Tại thị trấn Jandaris của đất nước, anh Ibrahim Khalil Menkaween thất thểu đi trên những con đường ngổn ngang bê tông, gạch vụn, ôm chặt những chiếc túi đựng xác màu trắng được gấp gọn. Ibrahim nói rằng anh ấy đã mất đi 7 thành viên trong gia đình, gồm 2 em trai và em dâu.
“Tôi giữ chiếc túi này để đặt thi thể em trai, em dâu và những đứa cháu của tôi. Tình hình rất tồi tệ và không có viện trợ”, anh nói.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người đang phàn nàn về tình trạng thiếu thiết bị, chuyên môn và không có viện trợ để giải cứu những người bị mắc kẹt, thậm chí ngay cả khi họ đã nghe thấy tiếng kêu cứu.
Nỗ lực cứu hộ càng chậm lại khi con đường chính dẫn vào thành phố Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ bị tắc nghẽn. Trong khi đó, những người dân tìm được xăng khan hiếm đã tìm cách rời khỏi vùng thảm họa và những chiếc xe viện trợ tiến vào khu vực.
Sau khi đối mặt với những lời chỉ trích về phản ứng chậm trễ trong thảm hoạ, Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết hôm 8/2 rằng các hoạt động cứu trợ vẫn đang diễn ra và cam kết sẽ không để người dân bị mất nhà cửa.
Trên khắp vùng phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, người dân phải tìm kiếm nơi trú ẩn tạm thời và thức ăn trong thời tiết lạnh giá. Một số người chờ đợi trong vô vọng bên những đống đổ nát - nơi gia đình và bạn bè có thể đang bị chôn vùi.
Tại Syria, nỗ lực cứu hộ càng trở nên phức tạp do cuộc xung đột đã chia cắt đất nước và phá hủy cơ sở hạ tầng.
“Có rất nhiều người vẫn nằm dưới đống đổ nát, không có thiết bị hạng nặng để kéo họ ra ngoài và các nhóm tình nguyện không thể làm việc với thiết bị nhỏ nhẹ”, Yousef Nahas, cư dân Salqeen ở Tây Bắc Syria, cho biết qua điện thoại.
Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc thừa nhận Chính phủ nước này “thiếu khả năng và trang thiết bị, do hơn một thập kỷ xảy ra nội chiến và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
El-Mostafa Benlamlih, quan chức viện trợ cấp cao của Liên hợp quốc tại Syria, cho biết khoảng 10,9 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi thảm họa ở các tỉnh phía tây bắc Hama, Latakia, Idlib, Aleppo và Tartus.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khoảng 13,5 triệu người bị ảnh hưởng trong khu vực kéo dài khoảng 450 km từ Adana ở phía tây đến Diyarbakir ở phía đông. Tại Syria, có người ở phía nam Hama, cách tâm chấn của trận động đất tới 250 km, cũng đã thiệt mạng.
Trước đó, Tổng thống Erdogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 10 tỉnh của đất nước, điều quân đội đến hỗ trợ. Song chắc hẳn thảm họa này sẽ đặt ra thêm thách thức đối với vị tổng thống cầm quyền lâu năm trong cuộc bầu cử sắp tới.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng thảm họa này đã gây ra “những khó khăn rất nghiêm trọng” cho việc tổ chức cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 14/5, trong đó Tổng thống Erdogan được cho là sẽ đối mặt với thách thức khó khăn nhất trong hai thập kỷ cầm quyền của ông.