Hy Lạp thảo luận về điều kiện cứu trợ

Sau 3 ngày trì hoãn, lãnh đạo các chính đảng trong chính phủ liên minh của Hy Lạp ngày 8/2 đã nhóm họp để thảo luận về các điều kiện đi kèm gói cứu trợ thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào tháng 3 tới.


Biểu tình phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ ở Aten ngày 7/2.


Trước đó, ngày 7/2, Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos đã hoãn cuộc họp với các đảng liên minh trong chính phủ về điều kiện nhận gói cứu trợ vỡ nợ thứ hai. Sự trì hoãn này, theo một quan chức Hy Lạp giấu tên, là do các nhà lãnh đạo Hy Lạp không có đủ thời gian để xem xét các điều kiện trong thỏa thuận cứu trợ khi mà nửa giờ trước khi cuộc họp bắt đầu, họ vẫn chưa nhận được bản dự thảo thỏa thuận.

Giới chức Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) muốn Hy Lạp nhất trí với điều kiện của gói cứu trợ thứ hai để thỏa thuận này có thể được Eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF thông qua vào ngày 15/2. Đây cũng là điều kiện để Aten được giải ngân các khoản cứu trợ tiếp theo nằm trong gói cứu trợ thứ nhất nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ công vào ngày 20/3 tới.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos đã kêu gọi đi đến thỏa thuận về gói cứu trợ thứ hai vào ngày 5/2, song các cuộc đàm phán về vấn đề này liên tục bị trì hoãn trong 3 ngày tiếp theo. Các chính đảng trong chính phủ liên minh - gồm Đảng Xã hội chiếm đa số, các đảng bảo thủ đối lập và đảng cánh hữu LAOS – không muốn chấp nhận những điều kiện cứng rắn trong gói cứu trợ này, vì điều đó đồng nghĩa với một sự sụt giảm mạnh mức sống của nhiều người dân Hy Lạp, đặc biệt trong bối cảnh các đảng phải giành giật lá phiếu của cử tri trong cuộc tổng tuyển cử, có thể diễn ra vào tháng 4 tới.

Cho đến nay, chính phủ Hy Lạp đã chấp nhận cắt giảm 15.000 việc làm trong khu vực công trong năm 2012 như một trong những điều kiện để nhận gói cứu trợ mới, bên cạnh việc cắt giảm chi tiêu năm 2012 thêm 3,3 tỉ euro, giảm chi phí lương trong các ngành tư nhân và tái tư bản hóa các ngân hàng thay vì quốc hữu hóa. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Hy Lạp vẫn còn bất đồng về mức độ của những biện pháp thắt lưng buộc bụng này. Ngoài ra, các đối tác trong chính phủ liên minh cũng bất đồng về việc có nên tiến hành tuyển cử sớm vào tháng 4 hay không. Đảng Xã hội của ông Papademos muốn vị Thủ tướng nhậm chức hồi tháng 11 năm ngoái tiếp tục nắm quyền đến hết nhiệm kỳ 4 năm của quốc hội, kết thúc vào cuối năm 2013, trong khi phe bảo thủ lại đòi bầu cử sớm trong tháng 4.

Một sự phá sản hỗn loạn của Hy Lạp gần như chắc chắn sẽ dẫn tới sự ra đi khỏi Eurozone của nước này, một tình thế mà các quan chức châu Âu khẳng định là không thể để xảy ra vì nó sẽ gây tổn hại ghê gớm đối với các nền kinh tế yếu hơn như Bồ Đào Nha, Ailen và Italia. Tuy vậy, những ngày qua, một số nhà lãnh đạo EU đã công khai nói về việc "trục xuất" Hy Lạp khỏi Eurozone. Phát biểu trên Đài phát thanh NOS của Hà Lan, Thủ tướng nước này Mark Rutte khẳng định, Eurozone đủ mạnh để tồn tại sau khi Hy Lạp ra đi.

Ngân hàng Citigroup (Mỹ) ngày 7/2 cũng đã nâng mức dự báo về khả năng Hy Lạp rời khỏi Eurozone từ 25 - 30% lên 50% trong vòng 18 tháng tới. Citigroup cho rằng, việc Hy Lạp từ bỏ đồng euro có thể kéo theo sự ra đi của các thành viên khác, khiến Eurozone bị thu hẹp và gây ra "sự ngừng đột ngột trong hoạt động vay vốn bên ngoài" của các thành viên Eurozone ở Nam Âu.

Vừa lo đối phó với áp lực từ bên ngoài, chính phủ Hy Lạp tiếp tục đối mặt với các cuộc biểu tình trong nước. Hôm 7/2, các công đoàn Hy Lạp đã phát động cuộc tổng bãi công để phản đối việc EU và IMF yêu cầu Aten thực hiện các biện pháp kinh tế khắc khổ để đổi lấy gói cứu trợ 130 tỷ euro. Những người biểu tình giận dữ đốt cờ Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vì cho rằng, Béclin đang đi tiên phong trong việc thực thi chính sách cứng rắn đối với Hy Lạp.

TTG – Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN