Hy Lạp đang bị dồn tới bờ vực phá sản?

Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos chưa thể thuyết phục các nhà lãnh đạo đảng phái ở nước này chấp nhận những điều khoản ngặt nghèo để đổi lấy gói giải cứu tài chính thứ hai trị giá 130 tỷ euro. Thế bế tắc này đang đẩy Aten tiến sát tới bờ vực phá sản cấp quốc gia vào tháng 3 tới.

Hy Lạp trước sự lựa chọn khó khăn

Với cuộc đàm phán giữa chính phủ Hy Lạp và các đại diện của “bộ tam” tài trợ quốc tế (gồm Liên minh châu Âu - EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và Qũy Tiền tệ Quốc tế - IMF) lâm vào ngõ cụt do các bên không đạt được thỏa hiệp về tất cả các điều khoản của gói cứu trợ tài chính trị giá 130 tỷ euro cho Hy Lạp. Trong khi “bộ tam” tài trợ quốc tế yêu cầu Hy Lạp thực hiện những cam kết bổ sung trong chính sách “thắt lưng buộc bụng”, theo đó phải cắt giảm lương tối thiểu trong khu vực tư nhân, lương hưu, xóa bỏ lương tháng thứ 13 và 14..., giới doanh nghiệp, công đoàn và các đảng phái chính trị hàng đầu ở xứ sở thần thoại cho rằng việc thực hiện những biện pháp này sẽ khiến sự suy thoái kinh tế Hy Lạp kéo dài 5 năm nay càng thêm trầm trọng. Cho dù lãnh đạo của các đảng phái tại Hy Lạp đã nhất trí về cơ bản đối với các biện pháp khắc khổ mới, các bên vẫn phản đối những biện pháp có thể làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế.

Người dân Hy Lạp biểu tình phản đối kế hoạch kinh tế khắc khổ mới tại thủ đô Aten ngày 7/2. Ảnh: AFP - TTXVN


Việc châu Âu ra tối hậu thư cho Hy Lạp để nhận được gói cứu trợ mới trị giá 130 tỷ euro, các nhà tài trợ quốc tế hối thúc Aten chấp nhận ngay điều kiện trợ giúp tài chính trong bối cảnh Hy Lạp đang rối tung với cuộc đàm phán giữa các chính đảng… có lẽ càng làm cho cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng euro thêm rối ren. Liệu những giải pháp trên của các chủ nợ và tổ chức quốc tế có phải là nhằm cứu Hy Lạp thoát khỏi hoạn nạn hay càng đẩy nước này đến nguy cơ vỡ nợ sớm vào tháng 3 tới?

Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh Hy Lạp đang bên bờ vực phá sản, chính phủ nước này chuẩn bị phải thanh toán khoản nợ trái phiếu 14,5 tỷ euro (tương đương 19 tỷ USD) đáo hạn ngày 20/3/2011, các cuộc đối thoại giữa Aten và chủ nợ bế tắc, chắc chắn kịch bản xấu nhất sẽ xảy ra. Sẽ không có sự lựa chọn nào khác, Hy Lạp hoặc phải quyết định thắt chặt ngân sách, giảm chi tiêu công hoặc phải tuyên bố phá sản nếu IMF, EU và ECB không chịu nới lỏng điều kiện cứu trợ.

Trong khi nội bộ chính phủ Hy Lạp còn đang tồn tại rất nhiều bất đồng về các biện pháp khắc khổ, có nhiều dấu hiệu cho thấy các chủ nợ quốc tế đang mất dần kiên nhẫn với Hy Lạp. Họ cho rằng cho dù các nhà đầu tư chấp nhận giảm 50% giá trị danh nghĩa số trái phiếu của nước này mà họ đang nắm giữ thì cũng vẫn không đủ để đưa mức nợ của Hy Lạp xuống 120% GDP như mục tiêu đề ra cho năm 2020. Hiện nguy cơ vỡ nợ đang được sử dụng như một sức ép để buộc các nhà lãnh đạo của Hy Lạp phải thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu cần thiết. Giới quan sát cho rằng, cách làm này của châu Âu có thể sẽ đem lại hiệu quả tốt, nhưng cũng không loại trừ khả năng phản tác dụng và gây ra những hậu quả tiêu cực.

Hy Lạp dọa EU

Cho dù đến lúc này, Hy Lạp chưa từ bỏ các nỗ lực vượt qua khủng hoảng. Sau 5 chương trình “thắt lưng buộc bụng” từng khiến chính phủ tiền nhiệm phải ra đi do vấp phải sự phản ứng gay gắt của dân chúng, Thủ tướng Lucas Papademos vẫn cố gắng thuyết phục người dân đồng lòng với các chính sách thắt chặt chi tiêu, giảm thu nhập… của chính phủ để xứ sở thần thoại có thể nhận được thêm tiền từ các chủ nợ quốc tế và ở lại trong Eurozone. Vị Thủ tướng tạm quyền, 64 tuổi này khẳng định dù thế nào cũng không thể chối bỏ thực tế, đất nước bên bờ Địa Trung Hải không còn lựa chọn nào khác trong điều kiện đang sở hữu một nền kinh tế gần như không còn khả năng cạnh tranh. Ông Papademos cho rằng “từ bỏ đôi chút để không mất quá nhiều” là điều nên làm để cứu đất nước.

Mặc dù vậy, Hy Lạp vẫn đang đối mặt với “viễn cảnh phá sản và tất cả các hậu quả tàn khốc mà nó kéo theo”. Giới chức Hy Lạp cũng đã hơn một lần thừa nhận nếu không nhận được cứu trợ, Aten sẽ không thể trả các khoản nợ và buộc phải ra khỏi Khu vực đồng euro. Tuyên bố nếu thỏa thuận cứu trợ mới không được ký kết sau các cuộc đàm phán vào giữa tháng 2 này, đất nước của các vị thần có thể sẽ buộc phải rời khỏi thị trường chung châu Âu và chấm dứt sử dụng đồng euro.
Theo các nhà phân tích tuyên bố trên vừa được xem như một “thông điệp khẩn cấp” vừa được xem như một lời cảnh báo với châu Âu. Nếu Hy Lạp phá sản, đương nhiên nước này chịu hậu quả đầu tiên. Gần như ngay lập tức, Hy Lạp sẽ bị buộc ra khỏi Khu vực đồng euro và nền kinh tế Hy Lạp sẽ lập tức sụp đổ. Tuy nhiên, Khu vực đồng euro cũng khó tránh khỏi bi kịch.

Về cơ bản, cứu giúp một nền kinh tế nhỏ như Hy Lạp không phải là chuyện lớn với châu Âu khi chỉ riêng Quỹ bình ổn tài chính (FESF) cũng đã đủ lực để cứu Hy Lạp. Điều quan trọng hơn với châu Âu là cứu Hy Lạp để tránh khủng hoảng lây lan và tạo thành hiệu ứng đôminô xảy đến với Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Đó mới là kịch bản đáng sợ bởi với riêng Italia, số nợ công gần 1.900 tỷ euro (120% GDP nước này) là quá lớn để nhận một gói giải cứu.

Cho dù đã quá quen với tình trạng thường xuyên nguy kịch của Aten, song chưa biết đến khi nào Hy Lạp mới khiến châu Âu và thế giới thôi lo lắng.

Lý Phương Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN