Hungary cảnh báo đáp trả khoản phạt của EU

Ngày 22/8, ông Gergely Gulyas - Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary đã bày tỏ phản đối việc Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) yêu cầu nước này nộp phạt vì không tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU) liên quan vấn đề người tị nạn.

Chú thích ảnh
Người di cư tại Tompa, Hungary. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Quan chức này cũng cảnh báo Hungary sẽ đưa người di cư đến Brussels nếu EU tiếp tục yêu cầu nước này tiếp nhận thêm những người xin tị nạn.

Tháng 6 vừa qua, ECJ đã ra phán quyết Hungary phải nộp phạt 200 triệu euro (216 triệu USD), cùng mức phạt 1 triệu euro/ngày (1,08 triệu USD/ngày) cho đến khi nước này đưa ra quyết định chính sách phù hợp với luật của EU. Theo ECJ, khoản phạt trên là do Budapest cố tình trốn tránh việc tuân thủ luật của EU, bất chấp phán quyết của tòa năm 2020 yêu cầu quốc gia thành viên này phải duy trì các thủ tục quốc tế đối với người xin tị nạn.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu tại cuộc họp báo ở Budapest, ông Gulyas cảnh báo Hungary "sẵn sàng cung cấp vé 1 chiều tới Brussels cho người di cư nếu EU khiến cho việc ngăn chặn được tình trạng di cư ở bên ngoài biên giới không thể thực hiện được".

Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary cũng nhắc lại lập trường của Budapest kiên quyết phản đối Hiệp ước châu Âu về di cư và tị nạn, trong đó có việc áp hạn ngạch tiếp nhận người di cư đối với các quốc gia thành viên. Ông nhấn mạnh Budapest vẫn cam kết duy trì chủ quyền và kiểm soát các chính sách của nước này, trong đó có lĩnh vực di cư.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Hungary Victor Orban cho rằng phán quyết trên của ECJ là "thái quá và không thể chấp nhận được". Trước đó, ông cũng chỉ trích EU “cưỡng ép" Hungary và Ba Lan thông qua việc áp đặt Hiệp ước châu Âu về di cư và tị nạn đối với hai nước này. Thủ tướng Hungary tuyên bố Budapest không có ý định đàm phán bất cứ điều gì với EU về vấn đề di cư trong những năm tới. Thay vào đó, nước này sẽ tập trung vào việc bảo vệ biên giới ngăn chặn làn sóng người di cư.

Hungary áp dụng chính sách cứng rắn, kiểm soát người di cư vào nước này kể từ khi diễn ra làn sóng người di cư ồ ạt đến châu Âu năm 2015. Theo đó, nước này dựng hàng rào biên giới và tìm cách chặn người di cư. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, Chính phủ Hungary đã thông qua luật quy định những người di cư tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế phải đến Belgrade (Serbia) hoặc Kiev (Ukraine) xin giấy phép du lịch tại các đại sứ quán ở đó để vào Hungary.

EU đã phản đối quy định trên, đề nghị ECJ phạt Hungary vì không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của khối yêu cầu tất cả các nước thành viên áp dụng thủ tục chung về cấp quyền tị nạn.

Ngọc Long - Trần Hải (TTXVN)
Số người di cư được tị nạn tại Anh cao nhất trong 40 năm
Số người di cư được tị nạn tại Anh cao nhất trong 40 năm

Phóng viên TTXVN tại London dẫn số liệu được Bộ Nội vụ Anh công bố ngày 22/8 ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 7/2023 đến hết tháng 6/2024, nước này đã cấp quy chế tị nạn cho 67.978 người di cư, tăng gấp 3 lần so với 21.436 trường hợp của 1 năm trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN