Theo đài RT (Nga), ông Gergely Gulyas, cố vấn của Thủ tướng Viktor Orban, thông báo rằng Hungary sẽ tăng cường sản xuất khí đốt, than trong nước và lấp đầy kho dự trữ khí đốt trước mùa đông ở châu Âu.
Khi Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga, ông Gulyas cho rằng châu Âu có thể sẽ không đáp ứng đủ khí đốt cho mùa thu đông năm nay. Để đối phó với tình trạng khan hiếm nguồn cung, ông đã công bố kế hoạch 7 điểm, có hiệu lực từ tháng 8. Hungary sẽ tăng sản lượng khí đốt trong nước từ 1,5 tỷ m3 lên 2 tỷ m3, đồng thời lấp đầy các cơ sở lưu trữ của nước này bằng cách nhập khẩu. Ông Gulyas cho biết hiện tại, kho dự trữ khí đốt của Hungary đã đầy 44%.
Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Orban sẽ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu củi, đồng thời tăng cường khai thác than trong nước. Ngoài ra, nhà máy nhiệt điện than Matra, đã ngừng hoạt động một phần kể từ tháng 1/2021, sẽ được tái khởi động trong thời gian sớm nhất.
Hungary cũng sẽ kéo dài thời gian hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Paks - nơi sản xuất hơn một nửa lượng điện của cả nước. Các khách hàng sử dụng nhiều hơn lượng điện được phân bổ sẽ không được cung cấp mức giá cố định. Giới hạn giá nhằm đảm bảo người Hungary sẽ phải trả giá điện thấp hơn 6 lần so với giá thị trường và ít hơn 8 lần cho khí đốt.
Hungary dường như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt tự nhiên của Nga. Nước này đã phản đối lệnh cấm vận của EU đối với nguồn tài nguyên quan trọng này. Vào tháng 6, Thủ tướng Orban dự đoán rằng lệnh cấm “sẽ hủy hoại toàn bộ nền kinh tế châu Âu”. Hungary cũng đã phản đối EU ngừng hoàn toàn nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay và đã được miễn trừ lệnh cấm vận dầu mỏ Moskva.
Trong bối cảnh nền kinh tế của nhiều thành viên EU khác - chẳng hạn Đức, đang bị tàn phá nặng nề sau khi ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, chính phủ của ông Orban đã phản đối các đề xuất của khối về chiệc chia sẻ lượng khí ít ỏi mà họ sở hữu một cách bình đẳng.
“Các cơ sở lưu trữ khí đốt của Hungary sẽ vẫn là tài sản của Hungary. Chúng tôi sẽ sử dụng khí đốt trong các cơ sở lưu trữ khí đốt của Hungary được mua bằng tiền của người đóng thuế ở Hungary”, Bộ trưởng Ngoại giao Peter Szijarto nhấn mạnh vào tuần trước.
Bất chấp hàng loạt các biện pháp, cố vấn Gulyas nói rằng Hungary sẽ phải giảm tiêu thụ năng lượng. Các thông báo tương tự cũng được đưa ra ở Đức, nơi giới chức đã yêu cầu người dân hạ nhiệt độ sưởi và tắm trong thời gian ngắn hơn. Vào tháng 5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cảnh báo cuộc khủng hoảng nhiên liệu sắp xảy ra trên toàn bộ châu lục.
Ông Alex Munton, chuyên gia tư vấn về thị trường khí đốt toàn cầu tại Tập đoàn năng lượng Rapidan nhận định: “Đây là cuộc khủng hoảng năng lượng khắc nghiệt nhất từng xảy ra ở châu Âu. Châu lục đang đối mặt với viễn cảnh thực tế là không có đủ khí đốt khi cần nhất, vào thời điểm lạnh nhất trong năm”.