Theo một tuyên bố từ liên minh, các cuộc tấn công đã phá huỷ 18 mục tiêu trên 8 địa điểm, bao gồm các cơ sở lưu trữ vũ khí dưới lòng đất, cơ sở lưu trữ tên lửa, hệ thống máy bay không người lái tấn công một chiều, hệ thống phòng không, radar và máy bay trực thăng.
Dẫn một thông báo của Bộ Quốc phòng Anh vào cuối ngày 24/2, đài CNN đưa tin 4 máy bay chiến đấu Typhoon thuộc Không quân Hoàng gia Anh, được hỗ trợ bởi hai máy bay tiếp nhiên liệu Voyager, đã tham gia cuộc tấn công của liên quân.
Đợt tấn công mới nhất này diễn ra sau khi Lầu Năm Góc đánh giá lực lượng Houthi gần đây đã thực hiện nhiều cuộc tấn công hơn vào hoạt động vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ và Vịnh Aden – tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới. Ngày 22/2, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết đã có các cuộc tấn công của Houthi gia tăng và có sự nhất quán hơn trong vài ngày qua.
Kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ vào tháng 10/2023, lực lượng Houthi tuyên bố tấn công các tàu chở hàng có liên quan đến Israel nhằm thể hiện tình đoàn kết với người Palestine. Tuy nhiên, các cuộc tấn công đã khiến số lượng tàu đi qua kênh đào Suez giảm mạnh. Đoạn đường nối Biển Đỏ với Biển Địa Trung Hải cho phép tàu hàng giảm độ dài quãng đường vòng qua châu Phi. Theo Liên hợp quốc (LHQ), trong nửa đầu tháng 2, kênh đào Suez đã chứng kiến lượng vận chuyển hàng tháng giảm 42% và trọng tải container giảm 82% so với mức đỉnh điểm vào năm 2023.
Theo tuyên bố của liên minh, Houthi đã thực hiện hơn 45 cuộc tấn công vào các tàu thương mại và hải quân trong khu vực kể từ giữa tháng 11. Mỹ đánh giá các cuộc tấn công từ Houthi là mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu và đòi hỏi quốc tế phải có phản ứng.
“Chúng tôi biết rằng Houthi có trong tay kho vũ khí lớn. Họ rất có năng lực, họ sở hữu những vũ khí tinh vi”, ông Singh cho biết vài giờ sau khi Houthi bắn tên lửa đạn đạo vào một tàu chở hàng ở Vịnh Aden.
Trong một bài đăng mạng xã hội ngày 25/2, Houthi xác nhận họ đã sử dụng tên lửa để nhắm vào một tàu chở dầu của Mỹ ở Vịnh Aden trước đó một ngày.
Người phát ngôn của Houthi Yahya Saree không bình luận về việc liệu cuộc tấn công bằng tên lửa có bắn trúng tàu chở dầu M/V Torm Thor hay không nhưng lực lượng Mỹ trước đó cho biết họ đã bắn hạ thành công ít nhất một tên lửa được phóng vào Vịnh Aden.
Ông Saree cũng cho biết lực lượng Houthi đã nhắm mục tiêu vào một số tàu chiến Mỹ ở Biển Đỏ bằng máy bay không người lái.
Trong một trường hợp khác, tàu M/V Rubymar treo cờ Belize đăng ký hoạt động ở Anh bị trúng tên lửa đạn đạo của Houthi vào ngày 19/2, đã trở thành trường hợp bị tấn công đầu tiên thủy thủ đoàn phải bỏ tàu. Ngày 23/2, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cho biết con tàu đang bị rò rỉ nhiên liệu, tạo ra một vệt dầu loang kéo dài gần 30 km, và có nguy cơ bị chìm.
Trước các cuộc tấn công của Houthi, Mỹ đã sử dụng tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đạn đạo, cũng như máy bay không người lái tấn công. Mỹ cũng đã phá hủy tàu tự hành trên mặt nước và tên lửa dưới nước tự hành của Houthi.
Đầu tháng này, Lầu Năm Góc cho biết các cuộc tấn công liên tục từ tháng 1 nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen đã phá hủy hơn 100 tên lửa và bệ phóng, bao gồm tên lửa chống hạm, máy bay không người lái, radar… của lực lượng.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công không có tác dụng mấy trong việc ngăn chặn làn sóng tấn công của Houthi. Một số quan chức lưu ý việc tiếp tục bắn tên lửa trị giá hàng triệu USD vào máy bay không người lái và tên lửa giá rẻ của Houthi cực kỳ tốn kém và không hiệuquả.
Một phần của thách thức là phải biết rõ Houthis sở hữu bao nhiêu vũ khí. Nhiều quan chức nói rằng Mỹ vẫn chưa có mẫu số chung cho phép họ đánh giá tỷ lệ phần trăm thiết bị của Houthi đã bị phá hủy và không rõ liệu Mỹ có thay đổi cách tiếp cận quân sự hay không.
Mặc dù vậy, Mỹ và liên minh quốc tế không có dấu hiệu lùi bước, đồng thời cảnh báo Houthi rằng các không kích sẽ tiếp tục nếu các cuộc tấn công vào vận tải biển quốc tế không chấm dứt.