Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhấn mạnh các biện pháp này nhằm mục đích hạn chế dòng người xuyên biên giới vào vùng lãnh thổ Hong Kong để ngăn chặn nguy cơ lây lan virus Corona chủng mới (2019-nCoV), khởi phát từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).
Trước đó, ngày 3/2, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã thông báo tạm thời đóng cửa 10 trong số 13 trạm kiểm soát với Trung Quốc đại lục nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trước những lời kêu gọi đóng cửa toàn bộ các điểm qua lại với Trung Quốc đại lục, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho rằng việc làm này sẽ "không phù hợp và không thực tế", cũng như mang tính "phân biệt đối xử". Hiện bà đã chỉ thị tạm ngừng một số hoạt động vận tải giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục, trong đó có dịch vụ tàu phà và đường sắt cao tốc. Cho đến nay, Hong Kong đã ghi nhận 21 trường hợp nhiễm bệnh tại vùng lãnh thổ này.
Cùng ngày, Italy đã bắt đầu kiểm tra thân nhiệt của hành khách đến nước này trên các chuyến bay quốc tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Cơ quan bảo vệ dân sự Italy trước đó đã thông báo rằng việc quét thân nhiệt đối với các hành khách đến từ vùng dịch bệnh sẽ được mở rộng tới toàn bộ hành khách trên các chuyến bay quốc tế, trong đó có cả từ châu Âu. Những sân bay không có máy quét thân nhiệt sẽ được triển khai hàng trăm tình nguyện viên Chữ thập Đỏ để kiểm tra thân nhiệt từng hành khách. Tại sân bay Fiumicino ở thủ đô Rome, việc kiểm tra thân nhiệt còn được áp dụng cho các hành khách trên các chuyến bay nội địa.
Cho đến nay, Italy đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm bệnh. Đó là một đôi vợ chồng người Trung Quốc đến từ thành phố Vũ Hán. Hai người này đã nhập viện hồi tuần trước tại Viện các bệnh truyền nhiễm Spallanzani ở Rome. Theo viện trên, tình hình sức khỏe của hai bệnh nhân đang trở nên xấu đi và đang được hỗ trợ bằng máy thở. Trước đó, ngày 31/1, Italy đã ban bố tình trạng khẩn cấp, trở thành nước duy nhất ở châu Âu đình chỉ mọi chuyến bay qua lại với Trung Quốc.
Trước diễn biến lây lan của dịch bệnh, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki (Hông Nam Ki) ngày 5/2 đã chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế kiêm Hội nghị đối sách thúc đẩy kinh tế, thảo luận phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do dịch bệnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Chính phủ Hàn Quốc đã lập phương án hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp, như miễn hoặc kéo dài thời hạn nộp thuế. Đối với những doanh nghiệp đã và đang chịu thiệt hại từ dịch bệnh, như các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ngành du lịch, biểu diễn, có thể được kéo dài tối đa 9 tháng thời hạn kê khai và nộp thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Việc xử phạt những đơn vị nộp thuế chậm cũng được hoãn tối đa một năm.
Từ sau ngày 5/2, những người dân bị nhiễm virus Corona chủng mới hoặc bị cách ly theo dõi có thể được hoãn thời hạn kê khai và nộp các loại thuế địa phương, hoặc được miễn giảm một số loại thuế địa phương tùy theo quyết định của lãnh đạo địa phương đó. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu hay xuất khẩu do nhà máy tại Trung Quốc đóng cửa có thể được hoãn nộp thuế hoặc chia nhỏ để nộp. Doanh nghiệp nào chịu thiệt hại có thể đệ trình hoàn thuế. Thủ tục đệ trình sẽ được đơn giản hóa để xử lý ngay trong ngày.
Từ ngày 6/2, Chính phủ Hàn Quốc sẽ ngăn chặn xuất khẩu lượng lớn nước rửa tay và khẩu trang ra nước ngoài. Tới ngày 5/2, các đơn hàng nhỏ dưới 2 triệu won (1.700 USD) có thể xách tay mang ra nước ngoài. Tuy nhiên từ ngày 6/2, ngay cả những đơn hàng dưới 2 triệu won nhưng có số lượng khẩu trang trên 300 chiếc sẽ phải khai báo, nếu trên 1.000 chiếc phải kê khai xuất khẩu chính thức. Trong quá trình thẩm định xuất khẩu, đối tượng nào có nghi ngờ đầu cơ tích trữ thì cơ quan chức năng sẽ không cho thông quan, đồng thời tố giác đối tượng đó.
Cùng với đó, chính phủ Hàn Quốc quyết định sẽ hỗ trợ thông quan nhanh 24/24 với các nguyên vật liệu sản xuất dụng cụ vệ sinh, y tế, như khẩu trang, nước rửa tay, găng tay nhập khẩu từ nước ngoài.