Trong bài phát biểu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đề xuất cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử để bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên. Bà cho biết chính quyền đang soạn thảo một dự luật nhằm cấm việc nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, phân phối và quảng cáo các sản phẩm được sử dụng trong thuốc lá điện tử. Chính quyền Hong Kong cũng sẽ tích cực đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản, cung cấp thêm nguồn lực cho công tác nghiên cứu và phát triển để đưa đặc khu này trở thành một trung tâm công nghệ thông tin quốc tế.
Cung cấp nhà ở và đất đai cũng được bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đặc biệt nhấn mạnh, thể hiện quyết tâm của Chính quyền Hong Kong trong nỗ lực giải quyết vấn đề nhà ở. Bà cho biết chính quyền sẽ công bố ba bước đi nhằm giải quyết vấn đề nhà ở mà người dân Hong Kong đang phải đối mặt.
Để giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt là đất đai, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã trình bày các kế hoạch về việc cung cấp đất, trong đó có "Tầm nhìn ngày mai cho đảo Đại Nhĩ Sơn". Là hòn đảo lớn nhất ở Hong Kong, Đại Nhĩ Sơn (Lantau) là nơi đặt Sân bay quốc tế Hong Kong và là cửa ngõ tiến ra thế giới của khu hành chính đặc biệt này. "Tầm nhìn ngày mai cho đảo Đại Nhĩ Sơn" phác thảo kế hoạch khai thác 1.700 hécta đất để xây dựng từ 260.000 - 400.000 nhà dân, với 70% là nhà ở xã hội, có thể tiếp nhận từ 700.000 - 1,1 triệu người, đồng thời tạo ra 340.000 việc làm trong 20 - 30 năm tới. Chính quyền cũng sẽ thúc đẩy công tác nghiên cứu đất bỏ hoang, cũng như triển khai Kế hoạch thí điểm chia sẻ đất đai nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội và tư nhân trong ngắn và trung hạn.
Về vấn đề kinh tế, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lưu ý trong nửa đầu năm nay, nền kinh tế Hong Kong tăng trưởng 4% và là mức tăng mạnh so với năm ngoái. Bà cho biết chính quyền sẽ tích cực hành động để đưa Hong Kong tiến lên phía trước cũng như thắp thêm hy vọng cho khu hành chính đặc biệt này.
Ngày 1/7/1997, theo hiệp định ký kết trước đó, Chính phủ Anh đã trao trả Hong Kong cho Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã thành lập Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong, thực thi quản lý Hong Kong theo thể chế “một nước hai chế độ” dựa trên “Luật cơ bản”. Theo đó, Chính phủ Trung ương Trung Quốc chỉ quản lý, điều hành lĩnh vực ngoại giao và quân sự, còn lại các lĩnh vực khác do Hong Kong tự đảm nhận.