Động thái này được đưa ra trong bối cảnh đặc khu đang tìm cách chấm dứt làn sóng dịch COVID-19 tái bùng phát mạnh mẽ trong mùa Đông này.
“Chính quyền có thể thực hiện các hành động pháp lý bao gồm nộp đơn lên tòa án để được cấp lệnh vào nhà và cưỡng chế nếu như cá nhân chống đối lệnh xét nghiệm bắt buộc”, trang tin Bloomberg dẫn lời quan chức Hong Kong tuyên bố ngày 2/2.
Trung tâm tài chính châu Á đang tìm cách ngăn chặn làn sóng COVID-19 thứ tư bằng các biện pháp phong tỏa có chủ đích tại một số một khu vực và hạn chế di chuyển cho đến khi toàn bộ người dân nhận được kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Chính quyền địa phương cho rằng một số người dân cố tình trốn các đợt xét nghiệm ở khu dân cư bằng cách ở trong nhà.
Theo ước tính của Bloomberg, trong thời gian áp đặt lệnh phong tỏa ở bốn quận Hong Kong vào tối 1/2, khoảng 17% trong số 680 hộ gia đình mà lực lượng chức năng hỏi thăm không trả lời khi được gõ cửa. Hiện giới chức y tế vẫn chưa tìm thấy trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi kiểm tra gần 1.700 cư dân tại các khu vực này.
Ngày 1/2, Hong Kong có kế hoạch gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần, cho đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời siết chặt các quy định về xét nghiệm COVID-19.
Như vậy, các biện pháp giãn cách xã hội ở Hong Kong, trong đó có lệnh cấm trên 2 người tụ tập và ăn uống tại nhà hàng sau 18h hằng ngày, sẽ tiếp tục có hiệu lực đến ngày 17/2 tới. Ngoài ra, các trường học sẽ tiếp tục đóng cửa. Tất cả người dân sống ở chung cư sẽ phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 bắt buộc nếu tòa chung cư đó phát hiện một ca nhiễm không thể truy vết nguồn gốc. Sách lược xét nghiệm COVID-19 của Hong Kong hiện nay là tiếp tục thực hiện và mở rộng biện pháp xét nghiệm gồm “xét nghiệm bắt buộc", “khuyến cáo xét nghiệm” và “tự nguyện xét nghiệm”.
Hong Kong liên tục chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 ở mức hai con số trong những tuần gần đây. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1/2020, đặc khu này phát hiện khoảng 10.500 ca mắc và 182 ca tử vong.