Báo cáo dẫn số liệu của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết giá bột mì và dầu ăn tại các thành phố lớn của Afghanistan đã tăng tới 23% trong tháng 4 vừa qua khi nhu cầu vượt xa nguồn cung, trong khi giá gạo, đường và đậu hạt cũng tăng từ 7-12%.
Một phần lớn lực lượng lao động của Afghanistan thuộc khu vực lao động tự do, hầu như không có mạng lưới đảm bảo an sinh xã hội. Trong khi đó, với tỷ lệ chỉ 0,3 bác sĩ/1.000 dân, những trẻ em ốm yếu và suy dinh dưỡng ở Afghanistan khó có thể được cứu sống vì không nhận được sự điều trị cần thiết.
Giám đốc "Save the Children" tại Afghanistan, ông Timothy Bishop nói: "Chúng tôi lo ngại sâu sắc rằng đại dịch này sẽ dẫn đến một cơn bão đói nghèo, bệnh tật và chết chóc ở Afghanistan, nếu thế giới không hành động ngay bây giờ. Chúng tôi đang đối diện với nguy cơ rất thực tế là trẻ em có thể chết vì đói. Chúng tôi cần cộng đồng quốc tế cung cấp lương thực khẩn cấp để phân phát cho một số cộng đồng dễ bị tổn thương nhất ở nước này. Chúng tôi cũng kêu gọi Chính phủ Afghanistan tạo điều kiện cho việc phân phối lương thực nhanh chóng trong bối cảnh thực hiện lệnh phong tỏa trên toàn quốc”.
Theo khảo sát mới nhất của Liên hợp quốc, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, ước tính có tới hơn 5 triệu trẻ em Afghanistan cần viện trợ nhân đạo, trong đó khoảng 2 triệu trẻ dưới 5 tuổi đối mặt nạn đói.
Tính đến ngày 2/5 Afghanistan đã ghi nhận 2.469 ca nhiễm COVID-19 và 64 ca tử vong.