Hội nghị được coi là sự kiện quan trọng, là tiền đề cho Hội nghị lần thứ 24 của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 24) tại Ba Lan vào tháng 12 tới.
Dự kiến, tại hội nghị kéo dài 3 ngày này, các đại biểu tập trung thảo luận tình trạng nhiệt độ toàn cầu tăng, đồng thời công bố một loạt sáng kiến hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch. Theo đó, hàng chục thành phố, tỉnh và bang cùng các cơ quan đa quốc gia sẽ cam kết sử dụng năng lượng sạch chủ yếu là năng lượng Mặt Trời và gió trong vòng vài thập kỷ.
Nhằm thể hiện quyết tâm và đi đầu xu thế, Thống đốc bang California Jerry Brown (Gie-ri Brao) ngày 10/9 đã ký văn bản cam kết đến năm 2045, bang California sẽ loại trừ khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính khỏi lưới điện của bang này. Ông Brown nhấn mạnh cơ hội và nghĩa vụ của tất cả các bên trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Cũng tại hội nghị, các thành phố lớn sẽ công bố lượng khí phát thải gây hiệu ứng có xu hướng giảm dần trong khi gần 1.000 nhà đầu tư có tài sản hàng nghìn tỷ USD quay lưng lại với nhiên liệu hóa thạch. Các quỹ hưu trí ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản cũng dự kiến thông báo chuyển đổi đầu tư từ năng lượng nâu sang năng lượng xanh, 34 thống đốc đến từ 9 nước nhiệt đới tuyên bố ủng hộ các nỗ lực của địa phương nhằm duy trì bền vững các rừng nhiệt đới và giàu carbon. 9 tổ chức thiện nguyện trong đó có Quỹ Ford và Rockefeller đã chi gần 500 triệu USD cho mục đích này.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá những nỗ lực trên chưa đủ để cứu vãn những cam kết của Mỹ theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu nhằm giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Sau khi lên nắm quyền hồi tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã quyết định hủy bỏ các chính sách của chính quyền tiền nhiệm trong việc chống biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong một báo cáo công bố ngày 12/9, các chuyên gia cho rằng với các cam kết hiện nay của Washington, cùng với hoạt động của các lực lượng thị trường, đến năm 2025 lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ giảm 17% so với mức của năm 2005, chỉ bằng hai phần ba mức mục tiêu cắt giảm 26-28% mà nước này đã cam kết theo Hiệp định Paris.
Đó là chưa kể thực tế biến đổi khí hậu đang diễn biến với tốc độ nhanh hơn khả năng con người có thể đối phó. Sau 3 năm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) duy trì ổn định, làm dấy lên hy vọng mức khí thải này đã đạt đỉnh, đến năm 2017 lượng khí CO2 đã tăng lên các mức kỷ lục. Phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Niu Y-oóc, Mỹ) hồi đầu tuần, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres (An-tô-ni-u Gu-te-rết) cảnh báo nếu đến năm 2020 thế giới không đảo ngược được tình trạng biến đổi khí hậu, loài người và toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên sẽ phải gánh những hậu quả thảm khốc. Do đó, ông kêu gọi các nhà lãnh đạo, chính khách, doanh nhân, nhà khoa học và toàn thể người dân trên thế giới cần phá vỡ bế tắc hiện nay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. TTK LHQ bày tỏ tin tưởng trong năm tới sẽ có những quyết định cải tổ được đưa ra tại các phòng họp, các nghị viện trên toàn thế giới.