Hội thảo "25 năm cải cách kinh tế ở Việt Nam" tại Bỉ

Hội thảo "25 năm cải cách kinh tế ở Việt Nam", do Viện nghiên cứu châu Á của châu Âu (EIAS) tổ chức ngày 11/10 tại trụ sở EIAS ở Brúcxen (Bỉ) nhân chuyến thăm và làm việc tại Bỉ của Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Cao Viết Sinh, đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các đoàn ngoại giao và các nhà báo quốc tế.

Quang cảnh buổi hội thảo tại trụ sở EAIS ở Brúcxen. 

Nhận định về những chuyển biến trong nền kinh tế Việt Nam, ông Philippe Van Amersfoort, Phó Ban Đông Nam Á thuộc Vụ châu Á của Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS), cho rằng kể từ khi tiến hành cuộc cải cách tòan diện, hay còn gọi là "Đổi mới" hồi năm 1986, Việt Nam đã có những chuyển biến về kinh tế, chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình "Đổi mới" đã giúp điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong nước, và từng bước giúp nền kinh tế Việt Nam hòa nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Ông cho biết Liên minh châu Âu (EU) đánh giá cao những thành tựu kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, nhấn mạnh EU quan tâm tới lĩnh vực thương mại song phương, cũng như chính sách của Việt Nam đối với các công ty nước ngoài, và nhận định EU vẫn là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, ông Jean Louis Petit, từng phụ trách lĩnh vực hợp tác và kinh tế tại Sứ quán Bỉ ở Việt Nam, đã nêu những dẫn chứng sinh động về sự đổi mới toàn diện của Việt Nam sau hơn 20 năm Đổi mới và nhận xét nền văn hóa Việt Nam có những nét đặc thù, có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Đây là một điểm thú vị để tìm hiểu, nhưng cũng là một thách thức đối với các công ty châu Âu muốn đầu tư vào thị trường này.

Trong phần cuối của cuộc hội thảo, các diễn giả đã trả lời thẳng thắn và đầy đủ nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam.

Tin, ảnh:
Thái Vân (P/v TTXVN tại Bỉ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN