Theo tuyên bố chung gồm 44 điểm, các quốc gia tham dự đã đồng thuận về một kế hoạch tự chủ y tế nhằm tránh bị động và sự tiếp cận bất bình đẳng với vaccine trong các đại dịch tương tự COVID-19 có thể xảy ra trong tương lai; thành lập quỹ phòng chống thiên tại do biến đổi khí hậu, với số vốn ban đầu 15 triệu USD và thông qua có chế hoạt động của Cơ quan Vũ trụ Mỹ Latinh và Caribe. Bên cạnh đó, CELAC cũng thông qua việc lên tiếng phản đối sự phong tỏa kinh tế đối với Cuba và ủng hộ chủ quyền của Argentina đối với quần đảo Malvinas.
Liên quan tới việc cải tổ hay thay thế Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) bằng một tổ chức mới, Ngoại trưởng Mexico, Marcelo Ebrard, cho biết chưa đạt được sự đồng thuận do nhiều nước tham dự có quan điểm khác nhau.
Tham dự hội nghị, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador kêu gọi hội nhập kinh tế với Mỹ và Canada, trong khuôn khổ tôn trọng chủ quyền, cũng như chấm dứt các cuộc phong tỏa kinh tế; đồng thời khẳng định CELAC phải là một công cụ để củng cố quan hệ giữa các nước, cam kết tôn trọng các quyết định nội bộ của mỗi nước. Tổng thống López Obrador cũng đề xuất các nguyên tắc cơ bản không can thiệp tình hình nội bộ và quyền tự quyết của các dân tộc, hợp tác để phát triển và viện trợ lẫn nhau để chống bất bình đẳng và phân biệt đối xử, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng khu vực tương tự như Liên minh châu Âu.
Được thành lập vào ngày 23/2/2010, CELAC, hiện gồm 32 quốc gia thành viên, là một cơ chế hợp tác liên chính phủ, thúc đẩy hội nhập và phát triển ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe.