Phát biểu khai mạc hội nghị được tổ chức ở thủ đô Paris (Pháp), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết chương trình tăng tốc sản xuất vaccine châu Phi “sẽ là bước thiết yếu hướng tới thị trường vaccine chính hãng của châu Phi".
Ông Macron cho biết 75% số tiền tài trợ này sẽ đến từ châu Âu. Trong đó, Đức sẽ đóng góp 318 tỷ USD cho chương trình này. Pháp đầu tư 100 triệu USD và Anh đầu tư 60 triệu USD, trong khi các nhà tài trợ khác bao gồm Mỹ, Canada, Na Uy, Nhật Bản và Quỹ Gates.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat cho rằng kế hoạch này có thể trở thành chất xúc tác để thúc đẩy ngành công nghiệp dược phẩm ở châu Phi và tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên. Ông cũng lưu ý hiện châu Phi nhập khẩu 99% vaccine với chi phí rất cao.
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã bộc lộ tình trạng phân phối vaccine không đồng đều trên toàn cầu. Theo đó, các quốc gia giàu có nơi đặt trụ sở của hầu hết các công ty dược phẩm lớn đã tích trữ phần lớn dược phẩm, trong khi châu Phi bị bỏ lại phía sau. Hiện tại, một số khu vực ở châu Phi đang phải hứng chịu nhiều đợt bùng phát dịch tả cũng như tình trạng thiếu vaccine.
Sự bùng phát trở lại gần đây của bệnh tả ở châu Phi cho thấy cần có thêm nhiều nhà sản xuất vaccine tại các nước châu Phi. Hiện chỉ có một công ty duy nhất trên thế giới - EuBiologics của Hàn Quốc - sản xuất những liều vaccine rẻ và hiệu quả cho căn bệnh chết người này.
Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh các đợt bùng phát bệnh tả đang ảnh hưởng đến 50% dân số châu Phi, đồng thời công bố một dây chuyền sản xuất vaccine dịch tả sẽ được công ty dược phẩm sinh học Biovac của Nam Phi triển khai tại châu lục này.
Chỉ có 2% số vaccine được sử dụng ở châu Phi được sản xuất trên lục địa này. Liên minh châu Phi đặt mục tiêu nâng con số này lên 60% vào năm 2040.