Hội nghị Davos 2024: Kinh tế thế giới đối mặt một năm 'bấp bênh'

Một cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế hàng đầu công bố 15/1 cho thấy kinh tế toàn cầu đối mặt với một năm 2024 bất ổn và tăng trưởng bị kìm hãm xuất phát từ căng thẳng địa chính trị, các điều kiện tài chính thắt chặt và tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) gây lo ngại.

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng mua hàng trong siêu thị tại Foster City, California, Mỹ ngày 11/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc khảo sát được tiến hành đối với trên 60 chuyên gia kinh tế hàng đầu trong các lĩnh vực công và tư, trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, qua đó phác họa các vấn đề ưu tiên đối với các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp.

Khoảng 56% số người được khảo sát cho rằng các điều kiện kinh tế toàn cầu về tổng thể sẽ suy yếu trong năm nay, với mức độ phân hóa rõ rệt theo khu vực. Trong khi Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được đa số dự báo sẽ tăng trưởng vừa phải hoặc mạnh hơn, thì châu Âu có khả năng chỉ đạt mức tăng trưởng yếu hoặc rất yếu. Triển vọng kinh tế của các khu vực Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương lạc quan hơn, với đa số ý kiến kỳ vọng tăng trưởng ít nhất ở mức vừa phải trong năm 2024.

Mặc dù các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới khẳng định lãi suất đã đạt đỉnh, 70% số người được khảo sát dự kiến các điều kiện tài chính sẽ nới lỏng khi lạm phát giảm và thị trường lao động bớt căng thẳng hơn. 

AI được cho là sẽ tác động không đồng đều đối với kinh tế thế giới. Có 94% ý kiến dự báo AI sẽ thúc đẩy đáng kể năng suất ở các nền kinh tế thu nhập cao trong 5 năm tới, trong khi chỉ 53% dự báo tương tự đối với các nền kinh tế thu nhập thấp.

Ngoài khảo sát trên, WFF cũng công bố một nghiên cứu về chất lượng tăng trưởng của 107 nền kinh tế, trong đó kết luận hầu hết các quốc gia đang tăng trưởng theo hướng không bền vững về môi trường và cũng không toàn diện về mặt xã hội.

Bà Saadia Zahidi, Giám đốc điều hành WEF, nhấn mạnh: "Kích hoạt tăng trưởng toàn cầu là điều cần thiết để giải quyết các thách thức then chốt, nhưng tăng trưởng đơn thuần là chưa đủ".

WEF cho biết diễn đàn này đang khởi động một chiến dịch để xác định một cách tiếp cận mới với tăng trưởng và hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách cân bằng tăng trưởng kinh tế với các ưu tiên xã hội, môi trường và các ưu tiên khác.

Lan Phương (TTXVN)
Giới chuyên gia Thụy Sĩ đặt kỳ vọng vào chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị Davos
Giới chuyên gia Thụy Sĩ đặt kỳ vọng vào chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị Davos

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại thành phố Davos của Thụy Sĩ từ ngày 16/1 là dịp để Việt Nam khẳng định đóng góp và vai trò tại các diễn đàn đa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN