Như các tiết mục văn nghệ của các em học sinh đang theo học tiếng Việt tại trường Bình Minh ở Zurich, các tiết mục âm nhạc mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam do chính những nghệ sĩ khuyết tật vượt qua số phận tạo dựng thành công trong cuộc sống. Sự kiện thu hút hàng trăm khách tham dự trong và ngoài nước, trong đó có Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan, Chủ tịch Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam Anjuska Weil cùng nhiều bà con Việt kiều đang sinh sống tại Thụy Sĩ.
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, phát biểu nhân dịp này, Đại sứ Lê Linh Lan đã điểm lại tình hình phát triển kinh tế xã hội gần đây của Việt Nam. Đại sứ nêu rõ mặc dù môi trường khu vực và toàn cầu phức tạp, cạnh tranh thương mại gia tăng giữa các cường quốc, song tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam vẫn đạt hơn 7%, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7 đến 7% trong năm 2019, cao hơn mức trung bình của khu vực và toàn cầu. Năm 2020 sẽ là một năm rất có ý nghĩa khi Việt Nam sẽ đảm nhận hai trách nhiệm quốc tế: Chủ tịch ASEAN và tư cách thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đối với Đại sứ quán Việt Nam tại Bern, 2020 cũng là năm kỷ niệm tròn 20 năm Việt Nam chính thức khai trương Đại sứ quán tại thủ đô Thụy Sĩ.
Đại sứ Lê Linh Lan đã bày tỏ sự cảm kích trước những tình cảm tốt đẹp, tình đoàn kết và sự giúp đỡ của Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam dành cho các nạn nhân chất độc da cam, cho những người tàn tật và trẻ em tại các vùng sâu, vùng xa của Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam, Việt Nam đang từng bước phát triển nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Kể từ khi thành lập vào năm 1982 đến nay, Hội đã có nhiều hoạt động trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam/dioxine, các nạn nhân bị tai nạn bom mìn, bệnh nhân phong và các trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. Hội còn áp dụng chương trình tín dụng vi mô cho người cao tuổi ở khu vực Huế, bắt đầu từ năm 2005 trên cơ sở tư nhân và đang tiếp tục dự án này với sự hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương và ủy ban người cao tuổi. Kể từ khi bắt đầu dự án, hơn 1.200 khoản vay đã được cấp ở 25 huyện và làng vào cuối năm 2015.
Bà Ngọc Dung Moser, thành viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam, cho biết một trong những dấu ấn hoạt động của Hội là việc đỡ đầu và phát triển lớp tiếng Việt Zurich tại trường Bình Minh. Đây là trường dạy tiếng Việt đầu tiên tại Thụy Sĩ, dành cho các em học sinh gốc Việt sinh sống tại khu vực miền Đông Bắc Thụy Sĩ này. Với mong muốn đóng góp để gìn giữ, phát huy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho thế hệ trẻ người gốc Việt tại Thụy Sĩ, trường Bình Minh đã có được những kết quả tích cực so với hồi đầu mới thành lập vào năm 2017.
Từ nhiều năm nay, cứ vào dịp cuối năm khi thời tiết chuyển mùa với cái lạnh của mùa Đông băng giá, Hội Hữu nghị Thụy Sĩ – Việt Nam tại Zurich lại tổ chức chương trình gây quỹ từ thiện bằng buổi giao lưu ấm áp, thấm tình đoàn kết, nhằm chia sẻ khó khăn, cải thiện đời sống của những trẻ em kém may mắn bị nhiễm chất độc da cam và khuyết tật ở Việt Nam, đồng thời qua đó gây quỹ cho dự án cộng đồng như dự án vi tín dụng "Micro-Credit", chương trình cấp học bổng "Bông Sen" cho các bé gái nhà nghèo, hiếu học được cắp sách đến trường. Đây cũng là dịp gặp mặt và giao lưu giữa những thành viên trong Hội và những người Việt sinh sống ở Thụy Sĩ nhằm chia sẻ tấm lòng bác ái hướng về cộng đồng quê nhà.