Trong một tuyên bố, HĐBA bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo và an ninh tại Haiti, trong bối cảnh nạn buôn lậu vũ khí và đạn dược vẫn tiếp diễn - là những yếu tố chính làm gia tăng bạo lực và bất ổn, đẩy quốc gia Cairbe này vào vòng xoáy bạo lực. Các nước cho rằng HĐBA cần triển khai những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng này, đồng thời kêu gọi các băng nhóm ở Haiti chấm dứt ngay lập tức các hành động gây bất ổn. HĐBA LHQ đề nghị Chính phủ Haiti và tất cả các bên liên quan đảm bảo an toàn cho nhân viên LHQ và dân thường, bao gồm cả người nước ngoài. Ngoài ra, HĐBA yêu cầu các bên nỗ lực tổ chức các cuộc bầu cử “tự do và công bằng” để khôi phục thể chế dân chủ càng sớm càng tốt.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Mỹ và Caribe, HĐBA cũng hối thúc quốc tế nỗ lực nhiều hơn nữa để cung cấp viện trợ nhân đạo và tăng cường năng lực của lực lượng cảnh sát quốc gia Haiti, đồng thời tái khẳng định sự cần thiết phải đạt được tiến bộ đáng kể trong cuộc điều tra vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise vào năm 2021.
Tháng 10/2023, HĐBA LHQ thông qua nghị quyết cho phép triển khai tới Haiti lực lượng hỗ trợ an ninh đa quốc gia (MSS) do Kenya dẫn đầu, để giúp quốc gia vùng Caribe này đối phó với các tổ chức tội phạm có vũ trang. Chi phí triển khai hoạt động của lực lượng tạm thời này sẽ do các nước thành viên LHQ và tổ chức khu vực đóng góp và hỗ trợ theo hình thức tự nguyện.
Trong tuyên bố ngày 11/3, HĐBA đã kêu gọi việc sớm triển khai lực lượng nói trên đến Haiti, sau khi nghe đại diện Kenya báo cáo về những nỗ lực hiện nay nhằm thực hiện kế hoạch triển khai lực lượng. Ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres - nói rằng các nước thành viên LHQ cần thúc đẩy kế hoạch triển khai lực lượng và hỗ trợ đủ nguồn lực tài chính cho hoạt động của MSS.
Kể từ cuối tháng 2 vừa qua, Chương trình Lương thực Thế giới và các đối tác đã cung cấp hơn 50.000 suất ăn cho người dân Haiti phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do xung đột. Quỹ Nhi đồng LHQ và Tổ chức Di cư Quốc tế cũng đã viện trợ nước sạch sinh hoạt, lều tạm cùng nhu yếu phẩm khác. Tuy nhiên, ông Dujarric cho biết lượng hàng viện trợ trên là chưa đủ để ứng phó với tình hình nhân đạo ở Haiti.
Quan ngại về cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang ở Haiti, Mỹ đã cam kết viện trợ bổ sung 133 triệu USD cho quốc gia vùng Caribe này. Phát biểu tại một hội nghị khẩn cấp ở Jamaica ngày 11/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington cam kết cung cấp khoản viện trợ nói trên, trong đó 100 triệu USD hỗ trợ viện triển khai lực lượng hỗ trợ an ninh đa quốc gia ở Haiti và 33 triệu USD dành cho viện trợ nhân đạo. Như vậy, tổng số cam kết viện trợ của Mỹ dành cho Haiti trong cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm qua lên 333 triệu USD.
Cùng ngày, Cộng đồng Caribe - một liên minh của các quốc gia Caribe - đã triệu tập một cuộc họp khẩn để thảo luận giải pháp ứng phó với tình trạng bạo lực đang ngày càng nghiêm trọng tại Haiti. Ngoài lãnh đạo các nước Caribe, tham dự cuộc họp tại Jamaica còn có đặc phái viên từ Mỹ, Pháp, Canada và LHQ. Tổng thống Guyana Irfaan Ali - Chủ tịch luân phiên của Cộng đồng Caribe - bày tỏ sự lạc quan tại hội nghị khẩn cấp nói trên về việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho Haiti.