Học sinh nhập cư ở Đức chịu ảnh hưởng nặng nề khi các trường học đóng cửa

Khi giáo viên nói với mẹ của Um Wajih, cậu bé 9 tuổi người Syria, rằng vốn tiếng Đức của cậu đã giảm sút khi trường mà cậu bé đang theo học ở thủ đô Berlin phải đóng cửa trong 6 tuần, dù rất buồn nhưng bà mẹ 25 tuổi không ngạc nhiên.

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Tây Berlin, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Mẹ của Um Wajih cho biết Wajih học tiếng Đức rất nhanh và gia đình rất tự hào về cậu. Cô cũng biết nếu không được thực hành, khả năng ngôn ngữ này của Um Wajih sẽ bị mai một, nhưng cô  không giúp gì được cho con trai mình. Wajih có thể sẽ phải học thêm 1 năm lớp học tiếng Đức cho trẻ nhập cư cho đến khi cậu có thể theo kịp các bạn cùng trang lứa tại một trường học ở khu phố nghèo Neukoelln của Berlin.

Nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Đức đã đóng cửa các trường học trong khoảng 30 tuần kể từ tháng 3/2020, so với ở Pháp các trường học chỉ đóng cừa 11 tuần. Thời gian dài đóng cửa trường học đã làm gia tăng hơn nữa khoảng cách giáo dục giữa học sinh nhập cư và học sinh bản xứ ở Đức - vốn là một trong những nước khoảng cách này cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển. Ngay cả trước khi bùng phát đại dịch, tỷ lệ bỏ học ở những học sinh nhập cư tại Đức lên tới 18,2%, cao gần gấp 3 tỷ lệ trung bình của cả nước

Do đó, theo giới chuyên gia, điều quan trọng đối với nhà chức trách Đức hiện nay là phải thu hẹp sự chênh lệnh về trình độ học vấn, trong đó yếu tố quan trọng là các kỹ năng ngôn ngữ, nếu không các nỗ lực của nước này nhằm giúp hơn 2 triệu người nộp đơn xin tị nạn nhập cư trong 7 năm qua - chủ yếu đến Syria, Iraq và Afghanistan - hòa nhập xã hội có thể "đổ xuống sông, xuống biển".

Theo ông Thomas Liebig thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tác động lớn nhất của đại dịch đối với việc hòa nhập của người nhập cư là thiếu tiếp xúc với tiếng Đức. Ông cho biết hầu hết trẻ em nhập cư không nói tiếng Đức tại nhà, vì vậy, việc tiếp xúc với người bản xứ rất quan trọng.

Thống kê cho thấy hơn 50% số trẻ em sinh ra tại Đức có cha mẹ là người nhập cư không nói tiếng Đức tại nhà. Đây là mức cao nhất trong số 37 nước thành viên OECD. Con số này tăng lên tới 85% đối với các trẻ em không sinh ra tại Đức. Trên thực tế, bố mẹ là người nhập cư không có các kỹ năng tiếng Đức, do đó, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giúp đỡ con em học tại nhà hay bắt kịp việc học tập. Bên cạnh đó, do thường phải sống ở những khu vực nghèo hơn, có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao hơn, nên những gia đình nhập cư sẽ gặp khó khăn hơn khi các trường học đóng cửa để khống chế dịch bệnh. 

Trong 3 đợt bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19, chính quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel và nhà chức trách của 16 bang ở  nước này đã chọn biện pháp đóng cửa trường học, trong khi duy trì mở cửa các nhà máy để bảo vệ nền kinh tế.

Rõ ràng, đại dịch đang bộc lộ thêm các vấn đề mà người nhập cư phải đối mặt. Giáo sư Axel Pluennecke, thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Cologne cho rằng khoảng cách giáo dục giữa người nhập cư và người bản xứ tại Đức sẽ gia tăng, vì vậy, nhà chức trách cần đầu tư lớn cho giáo dục sau đại dịch.

Ngọc Hà (TTXVN)
Đức bác bỏ ý tưởng 'ngoại giao vaccine'
Đức bác bỏ ý tưởng 'ngoại giao vaccine'

Ngày 15/5, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã bác bỏ ý tưởng "ngoại giao vaccine" trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN