Hãng Sputnik (Nga) cho biết toàn bộ nội các của ông Medvedev – người nắm giữ cương vị Thủ tướng từ năm 2012 – sẽ tiếp tục đảm nhận công việc cho đến khi chính phủ mới được hình thành.
Sau đó, Tổng thống Putin đã bổ nhiệm ông Medvedev vào ghế Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh – một cơ quan tư vấn chính sách chiến lược cho tổng thống về an ninh quốc gia.
Vậy Chính phủ Nga hoạt động như thế nào?
Theo Hiến pháp Nga từ năm 1993, Chính phủ Nga tổ chức hành pháp, dự thảo và thi hành ngân sách liên bang, đồng thời thực thi chính sách quốc gia về tài chính, đối ngoại, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học…
Chính phủ có thể đệ đơn từ chức lên tổng thống. Và tổng thống Nga cũng có quyền giải tán chính phủ. Một phương pháp khác là Duma Quốc gia Nga thông qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mà tổng thống hoàn toàn có thể phủ quyết.
Tổng thống đề cử thủ tướng và Duma Quốc gia Nga phê chuẩn. Tổng thống Vladimir Putin đã bổ nhiệm ông Dmitry Medvedev giữ chức Thủ tướng hai lần, trong năm 2012 và 2018.
Ngoài ra, tổng thống cũng là người chỉ định các thứ trưởng và bộ trưởng dựa trên đề xuất của thủ tướng. Tổng thống có năng lực bãi nhiệm cả thủ tướng và các bộ trưởng.
Thay đổi sắp tới đối với Chính phủ Nga ?
Trong thông điệp liên bang ngày 15/1, Tổng thống Vladimir Putin đề nghị thay đổi hiến pháp để tạo điều kiện cho Duma Quốc gia Nga lựa chọn thủ tướng và bộ trưởng. Các nhà lập pháp đang soạn thảo pháp chế để hiện thực hóa đề xuất của Tổng thống Putin.
Bên cạnh đó, theo luật của Nga, Tổng thống Putin có 2 tuần để chỉ định thủ tướng mới. Nhưng ngay trong ngày 15/1, Tổng thống Putin đã chỉ định ông Mikhail Mishustin (53 tuổi) Giám đốc Cơ quan Thuế Liên bang – làm thủ tướng mới.
Ông Mishustin giữ chức cục trưởng Cục Thuế Liên bang từ năm 2010, từng nhận được nhiều khen ngợi liên quan đến thành tựu trong cải cách thu thuế.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tuyên bố Chính phủ từ nhiệm. Theo sắc lệnh này, ông Dmitry Medvedev vẫn là quyền Thủ tướng Liên bang Nga. Đồng thời, các thành viên Chính phủ Nga tiếp tục thực hiện các trọng trách cho đến khi chính phủ mới được hình thành.
Theo lịch trình, Duma Quốc gia Nga ra quyết định về việc bổ nhiệm ông Mishustin vào ngày 16/1.
Trong Thông điệp Liên bang năm 2020, Tổng thống Putin cũng cho biết ông không phản đối việc củng cố vai trò của Tòa án Hiến pháp. Ngoài ra, ông đề nghị tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước và các thống đốc thông qua việc chính thức hóa các quy định trong Hiến pháp. Với mỗi sáng kiến sửa đổi, ông Putin đề nghị trưng cầu ý dân.
Phát ngôn viên của tổng thống, ông Dmitry Peskov lưu ý rằng đây là cải cách nghiêm túc, nên nguyên thủ quốc gia Nga cho rằng cần phải tham khảo ý kiến của dân chúng thông qua bỏ phiếu. Thời điểm và thủ tục tiến hành trưng cầu ý dân sẽ được xác định sau đó được chính thức hóa bằng sắc lệnh.
Trang thông tin của Điện Kremlin ngày 15/1 cho biết Tổng thống Nga Putin đã thành lập nhóm công tác soạn thảo các đề xuất sửa đổi Hiến pháp. Nguyên thủ quốc gia Nga đã ký lệnh phê duyệt thành phần của nhóm công tác, có hiệu lực kể ngay trong ngày 15/1.