Hoạt động chế tạo tại châu Á giảm trong tháng 9/2018

Hoạt động chế tạo tại châu Á đã suy yếu trong tháng 9, với các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại ghi nhận số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm mạnh.

Đây là một dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp tại khu vực này.

Chú thích ảnh
Một nhà máy sản xuất sợi carbon ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu tăng cao cũng làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất của châu Á, đặt ra những câu hỏi về hoạt động đầu tư trong tương lai, cũng như củng cố quan điểm cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang dần chững lại và đi xuống. Chỉ số đo lường hoạt động trong tương lai của các công ty châu Á cũng không lạc quan lắm về khả năng tình hình sẽ thay đổi trong vài tháng tới.

Một số nhận định tiêu cực đã được hóa giải bởi thông tin Mỹ và Canada  đạt được một thỏa thuận để cứu vãn Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), qua đó giúp loại bỏ một rủi ro lớn đối với triển vọng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.

Nhưng sự kiện này chưa đủ sức để giảm bớt những lo ngại về dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang “hạ nhiệt”, cũng như nguy cơ các quốc gia trong khu vực bị thiệt hại liên đới khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục leo thang.

Các cuộc khảo sát lĩnh vực chế tạo tại Trung Quốc cho thấy đà tăng trưởng của nhà sản xuất đã bị đình trệ sau 15 tháng đi lên liên tiếp, trong khi báo cáo chính thức của chính phủ cũng xác nhận lĩnh vực này đã “hụt hơi” khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu suy giảm.

Các số liệu chính sơ bộ về kinh tế Trung Quốc trong tháng Chín cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất đà đi lên do nhu cầu trong nước yếu và tác động từ các biện pháp thuế quan của Mỹ. Giới phân tích cho rằng điều này có khả năng thúc đẩy Bắc Kinh triển khai các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng trong những tháng tới.

Tại những quốc gia khác ở châu Á, hoạt động chế tạo cũng chững lại tại vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia và Việt Nam hồi tháng trước. Các nhà máy của Đài Loan ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong hơn hai năm qua do số đơn hàng xuất khẩu khá thấp.

Trong khi các chỉ số hoạt động của những nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc đều khởi sắc hơn trong tháng Chín, song các nước này cũng chứng kiến số đơn hàng xuất khẩu sụt giảm. Điều này cho thấy làn sóng bảo hộ gia tăng, cũng như những lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc giảm tốc, đang tạo sức ép lên những nền kinh tế lớn này.

Ấn Độ là một trong số ít những điểm sáng ở châu Á. Hoạt động chế tạo của nước này đã tăng nhanh hơn trong tháng trước nhờ số đơn đặt hàng cả trong nước lẫn nước ngoài đều đi lên khá mạnh. Tin vui này được các nhà hoạch định chính sách chào đón giữa lúc họ đang lo ngại về sự sụt giảm mạnh của đồng rupee và các tác động liên đới từ tranh chấp thương mại trên toàn cầu.

Các nhà phân tích nhận định rủi ro đối với các nền kinh tế sẽ tăng lên vào năm 2019, khi các chính sách thuế quan của Mỹ trở nên cứng rắn hơn và chi phí vay mượn trên toàn cầu tăng lên.

Ông Koji Kobayashi, nhà kinh tế cấp cao của Viện Nghiên cứu Mizuho cho biết, sẽ cần nhiều thời gian để các công ty chuyển dịch hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác. Điều này đồng nghĩa với việc các tác động ban đầu của tranh chấp thương mại đối với các nền kinh tế châu Á sẽ là tiêu cực.

H.Thủy (Theo Reuters)
Trung Quốc từ bỏ 'vũ khí' tiềm năng trong chiến tranh thương mại với Mỹ
Trung Quốc từ bỏ 'vũ khí' tiềm năng trong chiến tranh thương mại với Mỹ

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang ở giai đoạn căng thẳng nhưng Bắc Kinh lại quyết định không sử dụng một “vũ khí” tiềm năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN