Hòa bình trong tầm tay

Tối 10/6, chuyên cơ Không lực Một chở Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Paya Lebar (Singapore) sau chặng bay kéo dài 17 tiếng từ Canada, nơi ông vừa tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Trước đó khoảng 6 tiếng, chiếc máy bay chở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đáp xuống Sân bay Quốc tế Changi, chấm dứt những đồn đoán về khả năng "trục trặc" của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử, dự kiến vào sáng 12/6 tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Đảo quốc Sư tử.
         
Để cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên có thể diễn ra là thành quả từ các nỗ lực kiên trì của các bên liên quan, đặc biệt, những động thái cải thiện quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên từ đầu năm đến nay đã tạo bầu không khí hòa dịu vô cùng quý báu tại khu vực, vốn được coi là "điểm nóng" có nguy cơ bùng nổ xung đột bất kỳ lúc nào. Trong nỗ lực phá vỡ thế bị bao vây và cô lập, ông Kim Jong-un có một điểm tựa quý giá là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo có đường lối ôn hòa, đi theo chính sách “Ánh Dương” của người tiền nhiệm Kim Dae-jung, chìa bàn tay thân thiện với Bình Nhưỡng. Sau 2 cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, chính ông Moon Jae-in đã đóng vai trò cầu nối, chuyển đề nghị gặp gỡ trực tiếp Triều - Mỹ tới Tổng thống Donald Trump.
         
Tình hình xoay quanh bán đảo Triều Tiên gần đây chuyển động rất nhanh, với những tuyên bố "hủy" rồi lại "không hủy" cuộc gặp thượng đỉnh, vốn được giới quan sát nhìn nhận là chiến thuật "nắn gân" và thăm dò lẫn nhau của hai bên nhằm tạo lợi thế mặc cả trên bàn đàm phán. Theo giới phân tích, có nhiều lý do để cả Triều Tiên và Mỹ đều muốn có cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên. Đáng kể nhất là cả hai bên đều coi thượng đỉnh Mỹ-Triều là một “thắng lợi ngoại giao” của mình. Chính quyền Trump khẳng định việc lôi kéo Triều Tiên “xuống nước” đàm phán, ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, là thành quả của chiến dịch gây sức ép tối đa nhằm trừng phạt và cô lập Bình Nhưỡng.
         
Với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, việc Mỹ chấp nhận đối thoại trực tiếp đã là một “thắng lợi về ngoại giao”, điều mà người cha Kim Jong-il và ông nội Kim Nhật Thành chưa làm được, tạm thời xua tan mối đe dọa bị Mỹ “đánh phủ đầu”. Nếu cuộc gặp diễn ra, triển vọng quốc tế nới lỏng trừng phạt Triều Tiên là rất cao. Ngoài ra, việc ông Kim Jong-un có cơ hội ngồi ngang hàng với ông chủ Nhà Trắng cho thấy vị thế quốc tế đang lên của Bình Nhưỡng, không chỉ Mỹ mà cả cộng đồng quốc tế đều mặc nhiên công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. Bên cạnh đó, sau khi mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân trở thành hiện thực, mục tiêu tiếp theo mà ông Kim Jong-un hướng tới là vực dậy nền kinh tế đang kiệt quệ, trong đó rất cần sự giúp đỡ của nước láng giềng Hàn Quốc. Nếu ông Kim bỏ lỡ cơ hội gặp thượng đỉnh với Mỹ lần này, qua đó giúp thúc đẩy hòa giải liên Triều, không gì bảo đảm là người kế nhiệm ông Moon Jae-in sẽ có đường lối thân thiện với Triều Tiên.
         
Trước thềm cuộc gặp, phía Triều Tiên đã có một loạt động thái bày tỏ thiện chí nhằm tạo thuận lợi cho sự kiện lịch sử với Mỹ. Trang mạng 38 độ Bắc của Viện John Hopkin (Mỹ) ngày 6/6 công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang phá hủy một bệ phóng thử tên lửa ở gần thành phố Kusong, Tây Bắc nước này. Trước đó, Triều Tiên cũng đã phá bỏ các đường hầm và các cơ sở ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri (Pung-kê-ri), được coi là bãi thử hạt nhân duy nhất ở nước này. Các động thái trên diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết ngừng các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, Triều Tiên cũng trả tự do vô điều kiện cho 3 công dân Mỹ bị bắt vì tội làm gián điệp.
         
Ngày 11/6, phái đoàn của Mỹ và Triều Tiên tại Singapore gặp nhau để chốt lại lần cuối nội dung cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra sau đó một ngày. Dự kiến, nội dung nghị sự chính sẽ xoay quanh vấn đề hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nhằm đổi lấy sự đảm bảo về an ninh cho chính quyền Bình Nhưỡng. Mỹ sẽ khuyến khích Triều Tiên thực hiện chính sách mở cửa kinh tế và hứa hẹn đầu tư vào nước này. Cho tới nay, rào cản lớn nhất và có tính quyết định đến thành công của cuộc gặp là vấn đề "phi hạt nhân hóa".

Cả Mỹ và Triều Tiên đều bày tỏ mong muốn phi hạt nhân, nhưng lại bất đồng về cách thức và tiến độ thực hiện tiến trình này. Mỹ muốn quá trình phi hạt nhân hóa phải được thực hiện một cách “hoàn toàn, có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược” và đổi lại, cộng đồng quốc tế sẽ gỡ bỏ lệnh trừng phạt và viện trợ kinh tế cho Triều Tiên. Trong khi Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân là "lá bùa hộ mệnh" cho sự tồn vong của chế độ và việc phi hạt nhân hóa phải theo lộ trình, từng bước và từng phần. Ưu tiên hàng đầu với Bình Nhưỡng là Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc và từ bỏ chính sách thù địch với nước này. Nhiều chuyên gia lo ngại đòi hỏi của Mỹ muốn Triều Tiên từ bỏ hạt nhân ngay lập tức là “hố sâu ngăn cách không thể san bằng”, một khi Mỹ coi đây là điều kiện tiên quyết thì quá trình đàm phán sẽ rơi vào bế tắc.
         
Nguồn tin từ Chính phủ Mỹ cho biết Tổng thống Trump đang chịu áp lực của phe diều hâu trong nội bộ cũng như từ phía đồng minh Nhật Bản rằng không nên nhượng bộ ông Kim Jong-un quá nhiều trong cuộc gặp tại Singapore. Nhà Trắng cũng đã chuẩn bị sẵn 2 phương án, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi sẽ kéo dài thời gian đàm phán thêm một ngày, thậm chí còn mời ông Kim Jong-un sang thăm Mỹ vào khoảng tháng 9 tới. Ngược lại, nếu mọi việc diễn ra không như mong muốn, ông Trump sẽ sẵn sàng rời cuộc họp về nước. Những động thái này cho thấy không ai có thể nói trước về kết quả của cuộc gặp.
         
Đa số dư luận cho rằng, sau gần 7 thập kỷ đối đầu và một thỏa thuận đình chiến giữa hai miền Triều Tiên chắc chắn sẽ không thể được giải quyết trong khuôn khổ của một cuộc gặp thượng đỉnh được chuẩn bị gấp rút. Tổng thống Trump hiểu rõ điều này và dư luận hy vọng bằng cách tiếp cận vấn đề một cách linh hoạt, ông chủ Nhà Trắng sẽ khởi đầu một lối thoát cho tình trạng bế tắc chiến lược liên quan vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo sẽ vượt qua những trở ngại to lớn để biến giấc mơ hòa bình lâu nay của người dân hai miền bán đảo Triều Tiên trở thành hiện thực. Trong thời gian đầu, tiến trình đàm phán có thể chỉ dừng lại ở mức ý tưởng và các hành động bày tỏ thiện chí của mỗi bên. Mặc dù vậy, cuộc gặp sẽ đánh dấu sự bắt đầu một thời kỳ hòa hoãn trên bán đảo Triều Tiên và đây sẽ là một bước tiến rất lớn, nếu nhìn lại thời điểm cách đây gần một năm, khi "bóng ma chiến tranh" lởn vởn trên bán đảo Triều Tiên.
         
Trong bối cảnh cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý đến Đảo quốc Sư tử, cả ông Trump và Kim đều muốn đi vào lịch sử với viễn cảnh nguyên thủ Mỹ-Triều bắt tay nhau tại Singapore mở ra triển vọng đem lại hòa bình cho khu vực và thế giới. Hy vọng của người dân ở cả hai miền Triều Tiên về một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt cuộc chiến từ cách đây gần 7 thập kỷ năm đang được thắp sáng trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.

Đoàn Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)
Vải thiều được mùa nhất trong 10 năm trở lại đây
Vải thiều được mùa nhất trong 10 năm trở lại đây

Năm 2018, sản lượng vải thiều dự kiến cao gấp đôi so với năm 2017, đây là năm vải được mùa nhất trong 10 năm trở lại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN