Theo trang Daily Mail, Dự án Kính viễn vọng Ảo (VTP) có trụ sở tại Italy đã chụp được ảnh phần lõi tên lửa, trông giống như một đốm sáng rực rõ khi nó lao qua kính viễn vọng robot Elena của họ.
Tên lửa của Trung Quốc đã gây chú ý trên thế giới suốt tuần qua khi các mảnh vỡ của phương tiện nặng 21 tấn này dự kiến sẽ bay trở lại Trái đất không kiểm soát vào cuối tuần, với nguy cơ đáp xuống những khu vực có người ở.
Theo các nhà nghiên cứu Italy, tên lửa Trường Chinh 5B đã di chuyển “cực kỳ nhanh”, khi nó lao vút qua khoảng không cách khoảng 700 km phía trên kính viễn vọng của VTP.
Trang Space.com cho hay, Gianluca Masi, nhà thiên văn học thuộc Dự án Kính Viễn vọng Ảo, người chụp được bức ảnh, viết trong phần mô tả bức ảnh: "Vào thời điểm chụp ảnh, lõi tên lửa cách kính thiên văn của chúng tôi khoảng 700 km, trong khi Mặt trời chỉ ở dưới đường chân trời vài độ, vì vậy bầu trời vô cùng sáng, khiến việc chụp ảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, kính thiên văn của chúng tôi đã thành công trong việc chụp được mảnh vỡ khổng lồ này” - Masi viết trong phần mô tả về bức ảnh.
“Đây là một thành công sáng giá khác, cho thấy khả năng tuyệt vời của phương tiện robot trong việc theo dõi những vật thể như vậy”, ông Masi khẳng định.
Ngày 29/4 vừa qua, Trung Quốc đã phóng tên lửa Trường Chinh 5B mang theo mô đun chính của Trạm vũ trụ của riêng nước này lên quỹ đạo Trái đất. Mô đun này có tên gọi Thiên Hà, dài 16,6 mét.
Xem video Trung Quốc phóng tên lửa mang theo mô đun trạm vũ trụ Thiên Hà ngày 29/4:
Các cơ quan vũ trụ và các nhà thiên văn học trên toàn thế giới hiện đang theo dõi sát sao đường đi của tên lửa Trường Chinh 5B với hy vọng sẽ chuẩn bị tốt hơn cho thời điểm nó rơi trở lại Trái đất.
Thông tin mới nhất cho thấy các mảnh vỡ của tên lửa khổng lồ này dự kiến sẽ rơi trở lại Trái đất vào ngày 8/5 và chính phủ Mỹ đã cảnh báo, chúng có thể rớt xuống những khu vực có dân cư.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby đã tiết lộ ngày dự kiến bay trở lại bầu khí quyển của Trái đất, nhưng cho biết thời điểm vào chính xác của sự kiện đó hiện không thể xác định được.
Ông Kirby cho hay chính phủ lúc này “không nắm đủ thông tin để có thể lên những kế hoạch cụ thể”. Tuy nhiên, ông khẳng định nếu có thông tin, họ sẽ chia sẻ những thông tin đó một cách thích hợp.
Hiện Bộ tư lệnh Không gian Mỹ đang theo dõi tên lửa Trung Quốc một cách cẩn trọng nhất có thể và cập nhật hàng ngày về vị trí của nó trên trang Space Track.
Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Harvard (Mỹ) kiêm chuyên gia theo dõi vật thể trên quỹ đạo, ghi nhận lõi tên lửa Trường Chinh 5B là vật thể nặng nhất rơi mất kiểm soát qua khí quyển trong gần 3 thập kỷ. Trước khi vỡ ra, phần lõi này có khối lượng gần 21 tấn. Lần gần nhất có một vật thể nặng hơn rơi mất kiểm soát là năm 1991, khi trạm vũ trụ Salyut-7 nặng 43 tấn của Liên Xô rơi xuống Argentina.
Ông McDowell tính toán phần lõi sắp rơi xuống Trái Đất nặng gấp 7 lần tầng thứ hai của tên lửa Falcon 9 bốc cháy trên bầu trời Seattle (Mỹ) cách đây khoảng một tháng. Nếu quay trở lại khí quyển vào ban đêm, nó có thể tạo ra vệt sáng tương tự.
Bất chấp những lo ngại của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhiều nhà quan sát trong ngành tin rằng tình hình không đến mức gây ra hoảng sợ. Chuyên gia McDowell cho biết nguy cơ bị các mảnh vỡ văng trúng là cực kỳ nhỏ.
Trong khi đó, ông Song Zhongping - một chuyên gia hàng không vũ trụ Trung Quốc - ngày 5/5 nhận định các mảnh vỡ tên lửa quay trở lại Trái Đất là chuyện hoàn toàn bình thường.
Wang Ya'nan – Tổng biên tập tạp chí Aerospace Knowledge - nói thêm rằng trong quá trình phát triển tên lửa, giới chức thuộc ngành khoa học vũ trụ Trung Quốc đã cân nhắc kỹ lưỡng từ giai đoạn thiết kế tên lửa ban đầu và lựa chọn địa điểm phóng, đến tình trạng phóng và quỹ đạo bay.
Ông Wang giải thích: “Phần lớn các mảnh vỡ sẽ bốc cháy trong quá trình quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất. Chỉ một phần rất nhỏ có thể rơi xuống mặt đất và có khả năng sẽ rơi xuống đại dương hay những khu vực cách xa nơi con người hoạt động”.
Do tên lửa của Trung Quốc chủ yếu được làm bằng vật liệu nhẹ nên hầu hết sẽ dễ dàng bị đốt cháy trong quá trình rơi qua bầu khí quyển với tốc độ cao. Bên cạnh đó, tên lửa Trường Chinh cũng sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, nên một khi các bộ phận rơi xuống đại dương, nó sẽ không gây ra ô nhiễm nguồn nước.
Theo trang Space, nếu có thiệt hại do mảnh vỡ gây ra, Công ước trách nhiệm của Hiệp ước Không gian Bên ngoài (Outer Space Treaty) của Liên Hợp Quốc quy định quốc gia phóng "phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do các vật thể không gian của họ gây ra trên bề mặt Trái đất hoặc đối với máy bay, và chịu trách nhiệm về thiệt hại do lỗi của nó trong không gian".
Lần duy nhất quy ước này được viện dẫn là vào năm 1978, khi một vệ tinh Liên Xô chạy bằng năng lượng hạt nhân có tên Kosmos 954 phát tán các mảnh vỡ chứa phóng xạ khắp vùng Bắc Cực thuộc Canada, dẫn đến một chiến dịch dọn dẹp khẩn cấp và tốn kém ít nhất 3 triệu đô la Canada vào năm 1981 (tương đương 7,5 triệu USD ngày nay).