Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius với cây búa biểu trưng của Hội nghị COP21 và Tổng thống Pháp Francois Hollande sau khi Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu được thông qua. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trải qua 13 ngày đàm phán liên tục, với nhiều thay đổi, từ bản dự thảo đầu tiên dày hơn 50 trang, đến khi được thông qua, Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu còn lại 31 trang. Điều này cho thấy đại biểu các nước tham dự Hội nghị đã có nhiều quyết tâm cũng như chấp nhận những thỏa hiệp nhất định để đi đến kết quả cuối cùng.
Điểm nổi bật phải kể đến tính linh hoạt của thỏa thuận, chính nhờ đó đã đáp ứng được sự khác biệt về lợi ích quốc gia của 195 nước tham gia. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng nêu bật một xu thế không thể đảo ngược về việc sử dụng năng lượng trên toàn cầu, đó là cần chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch thay thế với nền kinh tế phát thải khí thấp.
Điểm mấu chốt của sự thay đổi này là khuyến khích các chính phủ chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi này, thay vì gây áp lực bằng một thỏa thuận không thực sự có tính ràng buộc pháp lý. Và điều quan trọng nhất là thỏa thuận đã giữ được những mục tiêu chính đề ra về cam kết kiểm soát mức tăng nhiệt độ Trái đất, cũng như quy định trách nhiệm cụ thể trong hành động và nghĩa vụ về tài chính giữa các nước và nhóm nước khác nhau.
Trong bản thỏa thuận cuối cùng, 195 quốc gia thành viên COP21 đã nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp, và sẽ cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C. Đây là điểm quan trọng nhất về mục tiêu cần đạt được của COP21.
Để đạt mục tiêu này, thỏa thuận cũng nêu rõ rằng thế giới phải nhanh chóng giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính với mức nhiều nhất có thể. Tiến độ cụ thể được đặt ra là tới giữa thế kỷ này (khoảng sau năm 2050), thế giới phải đạt cân bằng giữa lượng khí phát thải do hoạt động của con người với khả năng hấp thụ của Trái đất (nhờ sự hấp thu của rừng và đại dương) cộng với công nghệ “thu gom khí thải”.
Thỏa thuận cũng quy định, đến năm 2018, các nước phải có đánh giá về tác động toàn diện trong ngăn chặn sự tăng nhiệt toàn cầu, và đệ trình những kế hoạch cụ thể về cắt giảm khí carbon khi thỏa thuận COP21 có hiệu lực vào năm 2020. Sau thời gian này, cứ mỗi 5 năm, tính từ năm 2023, các quốc gia sẽ rà soát lại các mục tiêu đã đề ra. Cho đến nay, một vài nước đã đưa ra mục tiêu về lượng khí thải cắt giảm vào năm 2025, thậm chí đến năm 2030, trong lộ trình đầu tiên.
Về trách nhiệm của các bên, thỏa thuận đã đề cập tới việc các quốc gia phát triển phải đóng vai trò đầu tàu trong việc giảm khí thải. Trong khi các nước đang phát triển được khuyến khích nhanh chóng nỗ lực giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và giảm dần lượng khí thải với sự hỗ trợ của các nước giàu.
Quy định về nghĩa vụ tài chính cũng là một nội dung quan trọng đạt được trong thỏa thuận. Theo đó, các quốc gia phát triển sẽ cung cấp tài chính giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như tăng cường khả năng ứng phó với các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra, như hạn hán hay lũ lụt. Cụ thể, các nước phát triển cam kết sẽ chi tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm cho nội dung này, tính từ năm 2020, sau đó sẽ được tăng dần lên và hai năm sẽ báo cáo một lần về mức đóng góp của mình. Thỏa thuận cũng khuyến khích sự hỗ trợ tự nguyện của các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc.
Về tính minh bạch, thỏa thuận quy định các quốc gia phải báo cáo về tiến trình thực thi cam kết, song không có hình thức chế tài đối với các quốc gia chưa hoàn thành mục tiêu về cắt giảm khí thải.
Một điểm khác đáng chú ý là các đại biểu đã quyết định đưa vào Hiệp ước Paris một điều khoản thừa nhận "thiệt hại và mất mát" do thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu gây ra. Điều khoản này không bao gồm nghĩa vụ pháp lý và khoản bồi thường cho những nước bị ảnh hưởng, nhưng cũng được coi là chiến thắng đối với các quốc đảo nhỏ và những nước nghèo đang phải chịu tác động nghiêm trọng của tình trạng ấm lên toàn cầu. Mỹ trước đó đã phản đối điều khoản này.