Đây là nhận định được người đứng đầu Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA) Thomas Cueni đưa ra ngày 7/9 trong một buổi họp báo tại Geneva (Thuỵ Sĩ).
Ông Cueni cho rằng mặc dù hiện vẫn tồn tại khoảng cách lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước giàu và nghèo, song thế giới sẽ sản xuất được 7,5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 trong tháng 9 này. Theo ước tính của IFPMA, số lượng vaccine được sản xuất sẽ đạt 24 tỷ liều vào giữa năm tới - một con số còn lớn hơn nhu cầu toàn cầu.
Theo công ty phân tích dữ liệu khoa học Airfinity, hiện có tới 70% người trưởng thành ở các quốc gia phát triển hơn đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine trong khi ở châu Phi, con số này chỉ là 6%. Trung bình mỗi tháng lại có khoảng 1,5 tỷ liều vaccine được sản xuất.
Dự kiến, sản lượng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu sẽ đạt 12 tỷ liều vào cuối năm nay. Điều này đồng nghĩa là ngay cả khi các nước giàu muốn tiêm chủng cho tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên, vẫn còn ít nhất 1,2 tỷ liều vaccine sẵn có để phân phối lại cho các nước nghèo. Do đó, việc dự trữ vaccine phòng trường hợp thiếu hụt là không còn cần thiết.
Giám đốc điều hành hãng dược phẩm Mỹ Pfizer Albert Bourla cho biết chi phí của loại vaccine mà hãng này phối hợp với hãng dược phẩm Đức BioNTech bào chế không phải là vấn đề. Theo ông, Pfizer định giá vaccine dựa vào thực lực kinh tế của quốc gia mua chế phẩm này.
Trong khi đó, ông Paul Stoffels, Giám đốc khoa học của hãng dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson, cho biết việc miễn áp dụng bản quyền sáng chế đối với vaccine ngừa COVID-19 theo yêu cầu của một số tổ chức phi chính phủ cũng không phải là vấn đề hiện nay. Ông nhấn mạnh điều cần thiết hiện nay là tối ưu hóa năng lực sản xuất vaccine hiện có của các hãng sản xuất.