Euractiv dẫn tuyên bố của Hội đồng châu Âu gọi đây là những hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất từng được EU ký kết với một quốc gia đang phát triển. Khi có hiệu lực, thuế quan đối với 99% hàng hóa sẽ được dỡ bỏ trong thời gian 10 năm. Thuế nhập khẩu cao của Việt Nam đối với ôtô sau đó sẽ giảm 78% và thuế đối với rượu vang giảm 50%. Ủy ban châu Âu cho rằng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng 29% và 18% theo chiều ngược lại.
Tờ báo dẫn lời luật sư người Đức Hanns Günther Hilpert đánh giá “đây là điều quan trọng đối với ngành công nghiệp châu Âu”. Ông Hilpert cho rằng các thỏa thuận này đang gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng “bất kỳ thỏa thuận nào mà EU hiện đang ký kết nên được coi như một sự chỉ trích đối với chính sách thương mại hiện tại của Mỹ”, đồng thời là lời khẳng định “tự do hóa thương mại chưa chết”.
Tờ l’Echo của của Bỉ cho rằng EU đặt mục tiêu củng cố vị thế của khối tại Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những đối tác thương mại chính. Hai bên trao đổi mỗi năm khoảng 50 tỷ euro hàng hóa và 4 tỷ euro dịch vụ, phần lớn thâm hụt nghiêng về châu Âu.
Trang tin Euronews của châu Âu nhận định với việc ký kết EVFTA, EU tiếp tục đà phát triển và ký kết một hiệp định thương mại tự do mới. Trong khi đó, với việc ký kết EVIPA, dự kiến, đầu tư của châu Âu vào Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể. Điều này sẽ thay thế các thỏa thuận song phương kiểu cũ và cung cấp sự bảo vệ đầu tư cao thông qua các tiêu chuẩn được xác định rõ ràng.
Cũng về chủ đề này, Le Figaro có bài “Hiệp định mở cửa thị trường đầy hứa hẹn của Việt Nam cho châu Âu”. Nhìn từ phía châu Âu, Le Figaro nhấn mạnh cho dù Việt Nam vẫn được coi là “một nước nhỏ”, nhưng “con hổ châu Á” này là đối tác thương mại thứ hai của EU tại khu vực. Cùng với Singapore, Việt Nam là cánh cửa để châu Âu tiếp cận với các nước ASEAN. Ký kết hiệp định với Việt Nam là một giai đoạn quan trọng cho phép EU tính đến một hiệp định thương mại với toàn khối ASEAN.
Tờ Les Echos của Pháp gọi sự kiện này là cơ hội chính trị và thương mại cho Việt Nam. EVFTA sẽ phải chờ Nghị viện châu Âu phê chuẩn trước khi có hiệu lực, dự kiến là vào năm 2020, còn EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn vì còn phải chờ từng nước trong EU thông qua.