Hiểm họa từ phong trào tiêm thẩm mỹ bùng nổ ở Australia

Vài năm trước, Zeinab Zeineddine đã quyết định tiêm chất làm đầy với hy vọng các đường nét trên gương mặt sẽ đẹp hơn, làn da căng mịn hơn. Nhưng mọi chuyện đã trở thành sai lầm.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Getty Images

Theo trang The Guardian (Anh), đầu năm 2021, cô Zeineddine, cư dân sống ở Sydney (Australia) đã tìm đến cơ sở thẩm mỹ địa phương do một y tá điều hành và yêu cầu tiêm thêm một chút chất làm đầy trên má, cằm và hàm. Sau khi hoàn thành thủ thuật, cô bước ra khỏi phòng khám với ngoại hình trông giống như Maleficent, nàng tiên hắc ám của Disney với gò má nhô cao và gương mặt sưng phù. 

“Tôi chẳng khác gì con quái vật. Mỗi lần nhìn vào gương tôi đều suy sụp. Các con của tôi đã hỏi điều gì đã xảy ra với gương mặt xinh đẹp trước kia của tôi?”, cô chia sẻ. 

Câu chuyện của Zeineddine cho thấy mối lo ngại ngày càng gia tăng về ngành tiêm thẩm mỹ phần lớn không được kiểm soát, vốn đã bùng nổ trong những năm gần đây ở Australia và nhiều nước trên thế giới. Theo chuyên gia, rất khó có thể đưa ra con số chính xác về sự phát triển của ngành thẩm mỹ này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thị trường của Grand View Research đã định giá ngành tiêm thẩm mỹ mặt tại Australia có giá trị tới 4,3 tỷ USD vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến hơn 25% mỗi năm cho đến năm 2030.

Trang Guardian đã khảo sát hàng chục phụ nữ tiêm thẩm mỹ. Trong khi nhiều người gặp vấn đề với phương pháp làm đẹp này, thì số khác lại hài lòng với kết quả đạt được. Họ cho biết tiêm thẩm mỹ thực hiện khá dễ dàng, nhanh chóng thấy kết quả và chi phí thấp hơn so với phẫu thuật thẩm mỹ.

Tiến sĩ Cara McDonald - bác sĩ da liễu tại Melbourne, người đã có khoảng 15 năm kinh nghiệm trong ngành tiêm thẩm mỹ - cho biết nhu cầu đã tăng vọt. Bà nói: “Phương pháp làm đẹp này đã bùng nổ và dường như trở nên quá quen thuộc giống như việc tự chăm sóc bản thân”.

Bác sĩ Cara nói rằng trong khi một số người, đặc biệt là những khách hàng lớn tuổi, kín tiếng hơn trong việc can thiệp thẩm mỹ, thì ngày càng có nhiều người Australia trẻ tuổi công khai nói về việc tiêm thẩm mỹ.

“Giống như mua túi xách hàng hiệu, họ muốn tiêm chất làm đầy vì điều này khiến họ được chú ý hơn. Họ không thấy xấu hổ hay sợ bị kỳ thị”, bà nói.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Getty Images

Song bất chấp mức độ phổ biến, các phương pháp tiêm này đã bị loại khỏi cuộc đánh giá độc lập về phẫu thuật thẩm mỹ ở Australia, do cơ quan Quản lý Hành nghề Y tế Australia (Ahpra) ủy quyền, do những nguy hiểm đến tinh thần và sức khỏe của người tiêm.

Theo qui định, thuốc dùng để tiêm thẩm mỹ cần phải được bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, người thực hiện không cần phải hoàn thành khóa đào tạo về tiêm thẩm mỹ. Lỗ hổng này khiến nhiều nha sĩ và y tá cũng có thể tiến hành thủ thuật. Ahpra hy vọng tất cả các nhân viên sẽ tự đánh giá chuyên môn, hành nghề trong phạm vi năng lực và được đào tạo bài bản. Người phát ngôn của cơ quan này nói: “Chúng tôi sẽ can thiệp và có những hành động cụ thể nếu xác định người trong ngành gây ra rủi ro cho người dân”.

Nhưng bác sĩ Cara cảnh báo số người có nguy cơ bị tiêm hỏng đang ngày càng gia tăng. Bà cho rằng ngành này cần phải được kiểm soát và chuyên nghiệp hóa.

Khi dịch vụ tiêm thẩm mỹ thịnh hành, nhiều quốc gia đang phải vật lộn để điều chỉnh hoạt động kinh doanh đang bùng nổ này. Chính phủ Anh gần đây đã công bố luật đảm bảo tất cả những người hành nghề tiêm botox hoặc chất làm đầy phải được cấp giấy phép, sau ghi nhận nhiều cơ sở thẩm mỹ hoạt động chui.

Tiến sĩ Alicia Teska – bác sĩ thẩm mỹ đã làm việc trong ngành y học thẩm mỹ không phẫu thuật tại cơ sở ở Melbourne từ đầu những năm 2000 – cho biết: “Tôi thực sự cảm thấy buồn về những gì đang diễn ra. Chúng không chỉ gây ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp của ngành mà còn đe doạ đến sự an của phụ nữ và nam giới trẻ tuổi”.

Bác sĩ Teska cho rằng trào lưu tiêm chất làm đầy không kiểm soát, nhiều rủi ro là do ảnh hưởng của mạng xã hội. Đa phần người trẻ muốn sở hữu ngoại hình giống những gì được thấy trên mạng, thường là những bức ảnh đã qua chỉnh sửa, nhưng không ai kiểm chứng về độ xác thực của chúng. Điều này khiến nhiều người trở thành “con mồi” của những người hành nghề tiêm chui, coi tiền bạc quan trọng hơn sự an toàn của khách hàng.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Getty Images

Nhiều chuyên gia phẫu thuật, bác sĩ và người tiêm cũng bày tỏ lo ngại về các phương pháp tiêm thẩm mỹ quảng cáo qua mạng xã hội. Nhiều người trẻ mới tham gia vào ngành này coi đây là ngành nghề hấp dẫn. Họ sẵn sàng đăng các bài viết với khuyến mãi hấp dẫn lên mạng xã hội để câu kéo khách hàng.

Bác sĩ thẩm mỹ Jayson Oates cho biết sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các cơ sở làm đẹp cũng làm giảm sự chuyên nghiệp hóa. Ông nói: “Chất làm đầy rao đầy bán tràn lan trên thị trường, giao dịch nhanh chóng, dễ dàng, đơn giản. Thậm chí không có nhiều lời bàn tán về tác dụng phụ và giá cả ngày càng rẻ mạt”.

Còn với Zeineddine, cô đã bị sốc khi trở lại cơ sở thẩm mỹ sau ba ngày tiêm. Gương mặt của cô sưng phù, biến dạng nhưng y tá lại nói rằng trông rất bình thường.

Sau đó, Zeineddine phải bỏ thêm 450 USD tiêm dung dịch hòa tan chất làm đầy bằng một loại enzyme gọi là hyaluronidase, mà không cần kiểm tra dị ứng hoặc bất kỳ lời giải thích nào về tác dụng phụ có thể xảy ra. Cô nhớ còn thấy máu chảy xuống áo phông khi tiêm chất này lên mặt. 

“Người tiêm thuốc cũng không thể làm gì. Bất kỳ ai cầm theo cây kim cũng có thể hủy hoại cuộc sống của bạn”, Zeineddine nói.

Vân Khánh/Báo Tin tức (The Guardian)
Mùa phẫu thuật thẩm mỹ của học sinh Hàn Quốc
Mùa phẫu thuật thẩm mỹ của học sinh Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, ngày càng có nhiều học sinh quyết định đi phẫu thuật thẩm mỹ vào mùa đông, thời điểm sau khi hoàn thành kỳ thi đại học quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN