Ô nhiễm không khí - kẻ giết người vô hình
Theo các nhà khoa học, hàng năm ô nhiễm không khí giết chết nhiều người hơn so với tai nạn xe hơi, chiến tranh hoặc ma túy. Kẻ giết người vô hình này đến từ các nguồn như ô tô hoặc ống khói nhà máy.
Nhưng khi cháy rừng gia tăng và xảy ra thường xuyên hơn trong một thế giới ấm lên, khói từ những đám cháy đang nổi lên như một nguồn ô nhiễm mới và gây tử vong, các chuyên gia y tế cho biết. Theo một số ước tính, khói cháy rừng - chứa hỗn hợp các chất gây ô nhiễm không khí nguy hiểm như vật chất dạng hạt, nitơ đioxit, ôzôn và chì - đã gây ra tới 675.000 ca tử vong sớm (chết yểu) mỗi năm trên toàn thế giới, cũng như một loạt các bệnh về đường hô hấp, tim và các bệnh khác.
Nghiên cứu cho thấy khói cháy rừng đang bắt đầu làm xói mòn tiến trình làm sạch ô nhiễm từ ống xả và ống khói của thế giới.
"Thật đau lòng, thực sự là như vậy", Tiến sĩ Afif El-Hasan, bác sĩ nhi khoa chuyên về chăm sóc bệnh hen suyễn tại Kaiser Permanente ở Nam California, cũng là giám đốc hội đồng quản trị của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, cho biết. Cháy rừng "đang đe dọa ngôi nhà của chúng ta, nhưng chúng cũng đe dọa sức khỏe của chúng ta. Tình hình sẽ ngày càng tồi tệ hơn", Tiến sĩ El-Hasan cho biết.
Tác động kéo dài đến sức khỏe
Những lo ngại về sức khỏe đó đã nổi lên trong tuần này khi các đám cháy rừng tàn phá khu vực Los Angeles. Người dân bắt đầu trở về khu phố của họ - nhiều nơi rải rác tro bụi và gạch vụn vẫn đang âm ỉ nhiệt - để khảo sát thiệt hại. Ô nhiễm không khí vẫn ở mức cao ở nhiều khu vực của thành phố, bao gồm cả vùng ven biển phía tây bắc Los Angeles, nơi chỉ số chất lượng không khí tăng lên mức "nguy hiểm".
Los Angeles đã chứng kiến mức độ ô nhiễm không khí có thể làm tăng tỷ lệ tử vong hàng ngày lên từ 5 -15%, Carlos F. Gould, một chuyên gia về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe tại Đại học California, San Diego, đánh giá.
Trong những thập kỷ gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra rằng các đám cháy phát triển nhanh là nguyên nhân gây ra phần lớn sự tàn phá liên quan đến hỏa hoạn,
Tiến sĩ Lisa Patel, bác sĩ nhi khoa tại Vùng Vịnh San Francisco và là giám đốc điều hành của Liên đoàn Y khoa về Khí hậu và Sức khỏe, cho biết đám cháy lan nhanh trong thời gian qua vào các khu dân cư đông đúc, nơi chúng thiêu rụi nhà cửa, đồ đạc, ô tô, đồ điện tử và các vật liệu như sơn và nhựa, khiến khói trở nên nguy hiểm hơn.
Một nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng ngay cả đối với những ngôi nhà không bị phá hủy, khói và tro bay vào bên trong cũng có thể bám vào thảm, ghế sofa và tường thạch cao, tạo ra các mối nguy hiểm cho sức khỏe có thể kéo dài trong nhiều tháng. Tiến sĩ Patel cho biết: "Chúng ta đang hít phải hỗn hợp độc hại này gồm các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, hydrocacbon thơm đa vòng và crom hóa trị 6… Tất cả đều độc hại".
Thách thức toàn cầu với chất lượng không khí
Trong khi đó, các đám cháy ngày càng dữ dội và thường xuyên hơn đang làm đảo lộn sự hiểu biết của các chuyên gia về tác động của khói đối với sức khỏe. "Mùa cháy rừng không còn là một mùa nữa", Colleen Reid, nhà nghiên cứu tác động của ô nhiễm không khí từ cháy rừng đối với sức khỏe tại Đại học Colorado Boulder, cho biết. "Chúng ta đang chịu những đám cháy quanh năm ảnh hưởng đến cùng một nhóm dân số nhiều lần. Tác động đến sức khỏe của điều đó không giống như khi bạn tiếp xúc một lần, rồi không tiếp xúc nữa trong 10 năm".
Một báo cáo của Liên hợp quốc vào năm 2022 kết luận rằng nguy cơ xảy ra cháy rừng tàn khốc trên toàn thế giới sẽ tăng vọt trong những thập kỷ tới. Báo cáo cho biết tình trạng nóng lên và khô hạn do biến đổi khí hậu, cùng với sự phát triển ở những nơi dễ xảy ra cháy rừng, dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm "cuộc khủng hoảng cháy rừng toàn cầu". Cả tần suất và cường độ của các vụ cháy rừng cực đoan đều tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Tại Mỹ, diện tích đất bị cháy mỗi năm đã tăng vọt kể từ những năm 1990.
Hiện nay, ô nhiễm từ cháy rừng đang đảo ngược những gì đã được cải thiện trong nhiều thập kỷ về chất lượng không khí nhờ công nghệ ô tô sạch hơn và năng lượng sạch. Kể từ ít nhất năm 2016, tại gần 3/4 các tiểu bang ở Mỹ, khói cháy rừng đã hủy hoại khoảng 25% tiến trình giảm nồng độ của bụi mịn PM 2.5.
Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng hiểu đầy đủ về tác động của khói cháy rừng đối với sức khỏe. Một câu hỏi lớn là có bao nhiêu trong số những gì các nhà nghiên cứu biết về khí thải xe cộ và các dạng ô nhiễm không khí khác cũng áp dụng được với khói cháy rừng.
Mark R. Miller, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Tim mạch thuộc Đại học Edinburgh, người đã dẫn đầu một cuộc khảo sát toàn cầu gần đây về biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và cháy rừng, cho biết, các hạt khí ô nhiễm "nhỏ đến mức khi chúng ta hít vào, chúng sẽ đi sâu vào phổi và thực sự đủ nhỏ để có thể đi từ phổi vào máu. Và một khi đã vào máu, chúng có thể được mang đi khắp cơ thể và bắt đầu tích tụ".
Điều đó có nghĩa là ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể chúng ta, ông Miller nói. "Nó ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến gan và thận, ảnh hưởng đến não, đến thai kỳ". Điều vẫn chưa rõ là liệu ô nhiễm từ cháy rừng có tất cả những tác động đó hay không. "Nhưng có khả năng là như vậy", nhà nghiên cứu Miller đánh giá.