Henry Kissinger chê trách chính sách đối ngoại Mỹ

Vị cựu ngoại trưởng đã tỏ ra không hài lòng với chính sách đối ngoại hiện nay của nước Mỹ và đánh giá các chính trị gia của Washington đã không tích cực rút kinh nghiệm từ lịch sử.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ảnh: AP


"Nước Mỹ không chịu học hỏi sai lầm trong quá khứ, Washington không nên can thiệp vào các xung đột quốc tế nếu ngay từ đầu không lường trước được hậu quả và không sẵn sàng duy trì nỗ lực cần thiết để đạt được kết cục như ý", cựu Ngoại trưởng kiêm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger đã đưa ra nhận xét này khi bàn về chính sách đối ngoại hiện tại của Mỹ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí National Interest, cựu chính khách 92 tuổi nhấn mạnh: “Nền chính trị hiện nay của Mỹ toàn những con người 'phi lịch sử', ở trường họ không hề học lịch sử theo chuỗi các sự kiện mà chỉ là các đề tài không có bối cảnh”.

“Rắc rối liên quan tới các cuộc chiến tranh của Mỹ từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc là thất bại có thể bắt nguồn từ chiến thuật nội địa. Năm cuộc chiến tranh gần đây nước Mỹ đã nhúng tay kể từ Thế chiến thứ hai đều khởi đầu bằng sự nhiệt tình thái quá”, ông Kissinger cho hay.

Vị cựu ngoại trưởng còn phân tích tỉ mỉ về cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. Đầu tiên ông hồi tưởng: “Tôi đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tháng 11/2013. Ông ấy đã nhắc đến rất nhiều vấn đề và Ukraine được nói đến cuối liên quan đến vấn đề kinh tế mà Nga phải giải quyết qua thuế và giá dầu”.

Sau đó ông Kissinger nhấn mạnh: “Lỗi đầu tiên là sản phẩm từ sự sơ xuất của Liên minh châu Âu". Ông nêu rõ: "Nước Mỹ đã quá thụ động, không hề thảo luận chính trị với Nga hoặc châu Âu. Mỗi phía đều hành động dựa trên nhận thức sai về nước kia trong khi Ukraine trượt dài vào Maidan ở giữa thời điểm ông Putin dành 10 năm cho công cuộc xây dựng lại vị thế của Nga. Sau đó, Tổng thống Putin bắt đầu hành động như Nga hoàng Nicholas I (người đóng góp lớn cho công cuộc tạo dựng vị thế cường quốc của Nga từ hơn một thế kỷ trước-ND)”.


“Khủng hoảng Ukraine trở thành bi kịch bởi nó làm xáo trộn lợi ích dài hạn của trật tự thế giới với nhu cầu ngay lập tức của việc phục hồi danh tính Ukraine. Tôi ưu tiên một Ukraine độc lập với biên giới hiện hữu rõ ràng. Tôi đã ủng hộ điều này từ thời kỳ hậu Xô Viết”, cựu chính trị gia 92 tuổi nhận định.

Kissinger cũng đưa ra dự đoán về tương lai và nhấn mạnh “công kích Nga nay đã trở thành mục tiêu tuy nhiên mục đích dài hạn nên là hòa nhập với Nga”.

Hà Linh (Theo Sputnik)
Ukraine tìm lời giải cho "bài toán" cũ
Ukraine tìm lời giải cho "bài toán" cũ

“Báo Độc lập” (Nga) lại đăng bài viết ghi nhận việc Ukraine đang khẩn trương chuẩn bị cho một mùa đông mới trong bối cảnh cũ, đó là thiếu hụt nhiên liệt để sưởi ấm và thắp sáng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN