Theo thông báo từ Lầu Năm Góc, các nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm cung cấp hơn 900 thiết bị cho máy bay F-35 sẽ không còn nhận được 9 tỉ USD trong dự án này.
Người đứng đầu các ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ismail Demir nói: "Các công ty của chúng tôi trước tiên sẽ phải đối mặt với nhiều thiệt hại. Mặc dù các vấn đề như lệnh trừng phạt hoặc hơn thế nữa có thể dẫn tới những thiệt hại tạm thời cho ngành công nghiệp quốc phòng, nhưng chúng tôi cho rằng điều đó sẽ khiến cho ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi trở nên vững mạnh hơn". Theo ông, các công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đánh giá cách bù lỗ, và nếu Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 thì chi phí sản xuất loại máy bay này cho các đối tác khác sẽ tăng 7-8 triệu USD/máy bay.
Về lộ trình thay thế máy bay F-35 của Ankara, ông Demir tiết lộ: "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đánh giá các phương án khác" và sẽ thúc đẩy dự án máy bay chiến đấu quốc gia riêng. Một nguồn tin quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ Tổng thống Tayyip Erdogan sẽ nghiên cứu khả năng mua máy bay tiêm kích Su-35 của Nga.
Ngày 17/7, Nhà Trắng xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ không còn cơ hội tham gia vào chương trình chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau khi Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.