Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết việc loại bỏ CO2 có thể giúp làm chậm quá trình hành tinh nóng lên do giảm lượng khí nhà kính tích tụ trong khí quyển. Tuy nhiên, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature ngày 9/10, ngay cả khi việc loại bỏ khí này hiệu quả thì cũng không thể làm giảm thiểu các khía cạnh khác của biến đổi khí hậu, từ mực nước biển dâng đến những thay đổi của các dòng hải lưu, thậm chí những hiện tượng này có thể tiếp tục kéo dài nhiều thiên niên kỷ.
Ông Carl-Friedrich Schleussner, một trong những tác giả của nghiên cứu, nhận định ngay cả khi nhiệt độ giảm xuống mức thấp, thế giới cũng khó có thể quay lại trạng thái ban đầu.
Việc loại CO2 đòi hỏi nhiều kỹ thuật khác nhau, nhưng cùng nhằm mục đích chiết xuất trong khí quyển và lưu trữ khí này, trong đó có các giải pháp tự nhiên như tái trồng rừng và tảo biển, cùng với các cải tiến công nghệ lọc CO2 khỏi không khí.
Một nghiên cứu công bố tháng 6 cho biết áp dụng các phương pháp hiện tại, ước tính thế giới có thể loại bỏ khoảng 2 tỷ tấn CO2 ra khỏi khí quyển mỗi năm. Tuy nhiên, con số này phải tăng lên khoảng 7 - 9 tỷ tấn mới có thể đáp ứng các mục tiêu về khí hậu của thế giới.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu Joeri Rogelj từ Đại học Imperial College London, đồng tác giả nghiên cứu, chỉ ra những hạn chế về khả năng tiếp cận đất đai cho các khu rừng mới và chi phí cao liên quan đến ứng dụng công nghệ. Ông cảnh báo rằng việc ưu tiên đất đai để quản lý khí thải có thể mâu thuẫn với các mục đích khác, chẳng hạn như đa dạng sinh học và sản xuất lương thực.
IPCC cũng lưu ý rằng ngay cả trong các kịch bản giảm phát thải lạc quan nhất, mức vượt quá chỉ 0,1 độ C có thể đòi hỏi thế giới phải loại bỏ khoảng 220 tỷ tấn CO2, trong khi vượt quá 0,5 độ C sẽ cần loại bỏ hơn 1.000 tỷ tấn. Ông Rogelj cũng nêu bật những rủi ro đáng kể liên quan đến việc vượt ngưỡng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải cắt giảm phát thải ngay lập tức để giảm thiểu hiệu quả các mối đe dọa của biến đổi khí hậu.