Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, nghị quyết do Mỹ và Ecuador đồng soạn thảo và được thông qua theo đề nghị của Chính phủ Haiti. Lực lượng đa quốc gia (MSS) bao gồm 1.000 cảnh sát do Kenya đứng đầu này sẽ thực hiện sứ mệnh kéo dài 1 năm tại Haiti. Hiện thời điểm triển khai chưa được ấn định. MSS không nằm trực tiếp dưới sự điều hành của LHQ và trong thời gian tới sẽ mời thêm nhiều nước khác tham gia. Các nước láng giềng của Haiti như Jamaica và Bahamas đã cam kết gửi quân.
Nghị quyết kêu gọi tạm ngừng mọi hoạt động bán vũ khí cho Haiti, trừ phi phục vụ mục đích đảm bảo an ninh. Nhiệm vụ quan trọng của MSS là hỗ trợ lực lượng chức năng tại quốc gia Caribe này đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạ tầng và giao thông trọng yếu như sân bay, bến cảng, trường học, bệnh viện, đồng thời tạo thuận lợi triển khai một hành lang viện trợ nhân đạo cho hàng triệu người dân Haiti khi cần thiết.
HĐBA LHQ đánh giá nghị quyết được thông qua mang tính bước ngoặt trong nỗ lực giúp Haiti duy trì an ninh trước làn sóng bạo động do các băng đảng vũ trang gây ra. Cố vấn của Thủ tướng Haiti, ông Jean-Junior Joseph, cho biết chính phủ nước này hoan nghênh quyết định của HĐBA. Đại diện phái đoàn Mỹ, ông Jeffrey DeLaurentis, đánh giá HĐBA đã “tạo ra một cách thức mới để duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu”. Trong khi đó, phát biểu sau khi nghị quyết được thông qua, Đại sứ Trương Quân, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Trung Quốc tại LHQ, cho hay Bắc Kinh luôn theo đuổi cách tiếp cận thận trọng và có trách nhiệm khi HĐBA thực thi Điều VII Hiến chương LHQ liên quan tới việc cho phép sử dụng vũ lực. Ông cũng kêu gọi MSS tuân thủ luật pháp quốc tế và chủ quyền của Haiti.
Nhiều tháng qua, Haiti chìm trong làn sóng bạo lực sau khi các băng nhóm vũ trang giành quyền kiểm soát nhiều vùng đất rộng lớn giữa lúc các cuộc khủng hoảng y tế công cộng, chính trị và kinh tế nối tiếp xảy ra tại nước này. LHQ cho biết trên 2.400 người đã thiệt mạng vì bạo lực ở Haiti kể từ đầu năm đến nay. Các phần tử vũ trang đặc biệt nhắm vào các trường học, phụ nữ và nữ sinh. Theo ước tính của LHQ, hàng nghìn người đã bị bắt cóc tại Haiti và hơn 200.000 người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.