Harvard bị cấm tuyển sinh viên quốc tế, châu Âu và châu Á tìm cách kéo nhân tài từ Mỹ

Các trường đại học ở châu Á và châu Âu hy vọng rằng những chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Đại học Harvard gần đây, cùng với áp lực ngày càng gia tăng đối với giới học thuật Mỹ, sẽ mang lại cho họ lợi thế trong thu hút nhân tài từ Mỹ.

Xu hướng trên xuất hiện trong bối cảnh Đại học Harvard, một trong những cơ sở học thuật danh tiếng nhất nước Mỹ, đang phải chịu áp lực nặng nề. Chính phủ Mỹ đã cắt ít nhất 2,6 tỷ USD ngân sách cấp cho Harvard. Mới đây nhất, Harvard bị cấm tuyển sinh viên quốc tế từ năm học tới.

Đức gợi ý Harvard thành lập cơ sở tại nước này

Chú thích ảnh
Sinh viên tại Đại học Havard ở Cambridge, Massachusetts (Mỹ). Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo trang Bloomberg, Bộ trưởng Văn hóa Đức Wolfram Weimer gợi ý rằng Harvard có thể thành lập một cơ sở tại Đức, đồng thời nhắn nhủ: “Gửi tới sinh viên Harvard và các trường đại học Mỹ khác, tôi muốn nói: Các bạn được chào đón tại Đức”.

Trước tuyên bố mới nhất của ông Weimer, Đức nói riêng và các quốc gia châu Âu khác nói chung đã đặc biệt tích cực trong nỗ lực thu hút các nhà khoa học, khi phân bổ ngân sách cho các trường đại học và viện nghiên cứu để sử dụng vào các chiến dịch tuyển dụng.

Đầu tháng này, Liên minh châu Âu đã khởi động một chương trình trị giá 500 triệu euro nhằm thu hút các nhà nghiên cứu nước ngoài. Pháp dành riêng 100 triệu euro để trở thành “nơi trú ẩn an toàn cho khoa học”, trong khi Tây Ban Nha bổ sung thêm 45 triệu euro cho một chương trình tuyển dụng các nhà khoa học cao cấp. Anh cũng sẽ công bố một kế hoạch riêng trị giá 59 triệu euro.

Bên cạnh các chính sách do chính phủ khởi xướng, các cơ sở giáo dục tại Đức, Thụy Điển, Áo và một số quốc gia khác cũng triển khai các sáng kiến riêng, tạo ra các vị trí tuyển dụng mới, các gói hỗ trợ tài chính đặc biệt và quy trình cấp thị thực nhanh chóng để thu hút giới khoa học.

Các trường đại học châu Âu cho biết họ đang nhận được một lượng lớn câu hỏi từ các học giả đang làm việc tại Mỹ.

Hong Kong, Ma Cao mời chào sinh viên Harvard

Chú thích ảnh
Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong. Ảnh: Straits Times

Chính quyền và một số trường đại học tại các khu hành chính đặc biệt Hong Kong và Ma Cao của Trung Quốc đã chìa “cành ô liu” sau khi sinh viên và giới học giả tại Đại học Harvard choáng váng trước nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm cấm trường danh tiếng này tuyển sinh quốc tế.

Theo hãng tin Reuters ngày 26/5, trong một tuyên bố gửi qua email, Cục Giáo dục Hong Kong cho biết: “Cục đã kịp thời kêu gọi tất cả các trường đại học ở Hong Kong triển khai các biện pháp hỗ trợ đối với những người đủ điều kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của sinh viên và học giả, đồng thời thu hút nhân tài hàng đầu”.

Cục Giáo dục Hong Kong cũng đã liên hệ với Câu lạc bộ Harvard tại Hong Kong để đề xuất hỗ trợ các sinh viên đã được nhận vào học tại Harvard.

Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát nhu cầu của những sinh viên bị ảnh hưởng bởi bối cảnh giáo dục toàn cầu đang thay đổi”.

Ngoài ra, Cục Giáo dục Hong Kong sẽ cân nhắc các biện pháp hỗ trợ để thực hiện vai trò của một trung tâm giáo dục quốc tế.

Trước đó, ngày 23/5, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST) đã có lời mời dành cho tất cả sinh viên quốc tế bậc đại học và sau đại học tại Đại học Harvard, cũng như những người đã nhận được thư mời nhập học xác nhận, tiếp tục học tại HKUST. HKUST tuyên bố: “Trường sẽ cung cấp thư mời nhập học vô điều kiện, quy trình tuyển sinh đơn giản và hỗ trợ học thuật nhằm tạo điều kiện cho quá trình chuyển tiếp suôn sẻ của các sinh viên quan tâm”.

Lãnh đạo cơ quan giáo dục Hong Kong, bà Christine Choi, đăng trên Facebook rằng chính quyền đặc khu này đã kêu gọi các trường đại học tại đây thực hiện các hành động tích cực để tuyển các sinh viên bị ảnh hưởng.

Tiếp đó, ngày 25/5, Cục Giáo dục và Phát triển Thanh thiếu niên của chính quyền khu hành chính đặc biệt Ma Cao 5 thông báo trên trang web rằng cơ quan này đang theo dõi sát sao diễn biến.

Cục này đã khuyến khích các trường đại học tại Ma Cao quan tâm đến tình hình hiện tại, hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng chuyển trường và đảm bảo quyền được tiếp tục học tập. Chính sách cụ thể sẽ do các trường quyết định. Theo thông báo, cục này cũng đang liên hệ với các sinh viên Ma Cao đang học tại Harvard để tư vấn và hỗ trợ.

Nhằm xây dựng Ma Cao trở thành điểm đến của nhân tài quốc tế trình độ cao, Cục Giáo dục và Phát triển Thanh thiếu niên sẽ tiếp tục thúc đẩy các trường đại học Ma Cao thu hút sinh viên xuất sắc từ nhiều khu vực thông qua các kênh tuyển sinh đa dạng và chính sách hỗ trợ học tập, góp phần quốc tế hóa giáo dục đại học tại Ma Cao.

Chính sách gây tranh cãi của Mỹ

Chú thích ảnh
Sinh viên trong khuôn viên Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts Mỹ ngày 15/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo báo chí, những sáng kiến như vậy từ các cơ sở giáo dục nước ngoài đã gia tăng kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền. Trong nhiệm kỳ của mình, chính quyền của ông đã cắt giảm hàng tỷ USD ngân sách dành cho khoa học, y tế công cộng và giáo dục; sa thải hàng chục nghìn nhân viên liên bang làm việc trong các lĩnh vực này; cắt giảm các khoản tài trợ nghiên cứu khoa học xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Các nhà nghiên cứu nước ngoài đang làm việc tại Mỹ ngày càng lo ngại về nguy cơ bị nhắm mục tiêu nếu chính quyền tăng cường siết chặt các chính sách với người có thị thực. Gần một nửa số nghiên cứu sinh sau đại học ngành khoa học và kỹ thuật ở Mỹ là người nước ngoài.

Chính quyền Tổng thống Trump đã chỉ trích đặc biệt các trường đại học tinh hoa như Harvard, Columbia, Cornell và Princeton, cáo buộc họ thất bại trong bảo vệ sinh viên Do Thái sau cuộc xung đột ở Gaza – sự kiện làm bùng phát hàng loạt cuộc biểu tình ủng hộ Palestine tại các trường đại học Mỹ. Nhà Trắng đã sử dụng vấn đề bài Do Thái để thúc đẩy một chiến dịch rộng lớn nhằm tái cấu trúc giáo dục đại học. Chiến dịch này bao gồm cả việc dỡ bỏ các chương trình về đa dạng, công bằng và hòa nhập.

Từ trước đến nay, các trường đại học Mỹ là những trung tâm nghiên cứu khoa học tiên tiến hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hiện nay các quốc gia trên thế giới ngày càng coi các nhà khoa học Mỹ là một công cụ để thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Một cuộc khảo sát do tạp chí Nature thực hiện vào tháng 3 cho thấy 3/4 trong số trên 1.600 nhà nghiên cứu Mỹ được hỏi đang cân nhắc nộp đơn xin việc ở nước ngoài.

Bà Shirley Tilghman, cựu Hiệu trưởng Đại học Princeton, bày tỏ lo ngại rằng nếu số lượng sinh viên quốc tế trong các chương trình sau đại học về khoa học và kỹ thuật ở Mỹ giảm, thì sinh viên trong nước sẽ thay thế sinh viên quốc tế, nhưng họ không có năng lực tương đương.

Theo báo The Hill, sinh viên quốc tế chiếm 27% tổng số sinh viên tại Harvard trong năm học 2024 - 2025. Trường này khẳng định: “Không có sinh viên quốc tế, Harvard sẽ không còn là Harvard”.

Trong đơn kiện gửi Tòa án Liên bang bang Massachusetts hôm 24/5, Harvard cáo buộc hành động của chính quyền vi phạm Tu chính án thứ nhất, quyền được xét xử công bằng theo hiến pháp và cả quy định của chính Bộ An ninh Nội địa.

Mặc dù lệnh cấm tuyển sinh viên quốc tế đã bị tạm hoãn, nhưng tác động vẫn rất nghiêm trọng. Báo New York Times ngày 25/5 đặt câu hỏi: “Nếu điều đó xảy ra với Harvard, thì có thể xảy ra ở bất kỳ đâu không?”.

Bà Sally Kornbluth – Hiệu trưởng Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) – viết trong thông điệp gửi toàn trường: “Đây là thời khắc nghiêm trọng”.

Bà Wendy Hensel – Hiệu trưởng Đại học Hawaii – nhận xét rằng sự việc đang gây chấn động toàn bộ hệ thống giáo dục đại học.

Ông John Aubrey Douglass – chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học thuộc Đại học California, Berkeley – nói với New York Times rằng tác động của lệnh cấm là một “làn sóng lạnh” đối với việc thu hút nhân tài học thuật tới Mỹ.

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc
Hong Kong kêu gọi thu hút nhân tài sau khi Mỹ cấm Đại học Harvard tuyển sinh quốc tế
Hong Kong kêu gọi thu hút nhân tài sau khi Mỹ cấm Đại học Harvard tuyển sinh quốc tế

Cục Giáo dục Hong Kong (Trung Quốc) đã kêu gọi các trường đại học tại đây thu hút nhân tài hàng đầu sau khi chính quyền Mỹ cấm Đại học Harvard tuyển sinh viên nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN