Trong một thông báo, OCHA cho biết tổ chức này quan ngại về tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi đối với 13,4 triệu người trong tổng số hơn 17,5 triệu dân tại Syria sau một thập kỷ xung đột, khủng hoảng kinh tế và đại dịch COVID-19 hoành hành. Đặc biệt, OCHA rất quan tâm tới cuộc sống của 2,7 triệu người Syria, trong đó có 1 triệu trẻ em, phải đi di tản trong nước dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo OCHA, cách duy nhất mà Liên hợp quốc (LHQ) có thể tiếp cận hàng triệu người này là thông qua hoạt động hỗ trợ xuyên biên giới được Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ ủy quyền. OCHA nêu rõ cửa khẩu Bab al-Hawa là cửa khẩu còn lại của LHQ để tiếp nhận và cung cấp hỗ trợ cho người dân ở Tây Bắc Syria trong khi cơ chế hỗ trợ nhân đạo xuyên biên giới tại đây của HĐBA LHQ sẽ hết hiệu lực vào ngày 10/7 tới. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi gia hạn hoạt động tại cửa khẩu Bab al-Hawa thêm 12 năm.
Hiện nay, khoảng 50% lượng hàng hóa viện trợ nhân đạo cho khu vực Tây Bắc Syria là qua cửa khẩu Bab al-Hawa. Mỗi tháng có khoảng 1.000 lượt xe tải chở hàng viện trợ đi qua khu vực biên giới Syria. OCHA nhấn mạnh cửa khẩu Bab al-Hawa là tuyến giao thông huyết mạch cuối cùng tại Syria, giúp hàng triệu người dân ở khu vực Tây Bắc nước này không rơi vào thảm họa nhân đạo.