Chính phủ Nga đã cấm hàng nghìn quan chức và nhân viên nhà nước sử dụng iPhone và các sản phẩm khác do hãng công nghệ Apple của Mỹ sản xuất. Cụ thể, Bộ Thương mại Nga thông báo từ ngày 17/7, cơ quan này sẽ cấm toàn bộ việc sử dụng iPhone cho mục đích công việc. Tập đoàn công nghệ hàng đầu Nga Rostec - công ty nhà nước đang bị phương Tây trừng phạt - cho biết sẽ chấp hành lệnh cấm trên.
Lệnh cấm dùng điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad và các thiết bị khác của Apple tại các bộ và tổ chức hàng đầu của Nga phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng ở Điện Kremlin và FSB về sự gia tăng hoạt động gián điệp của các cơ quan tình báo Mỹ chống lại Nga.
“Các quan chức an ninh đã thông báo rằng iPhone không còn được coi là an toàn và nên tìm kiếm giải pháp thay thế”, một nhân vật gần gũi với các cơ quan chính phủ đã cấm sản phẩm Apple cho biết.
Một tháng sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, ông đã ký một sắc lệnh yêu cầu các tổ chức liên quan đến “cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng” – một thuật ngữ rộng bao gồm lĩnh vực y tế, khoa học và tài chính – chuyển sang phát triển phần mềm vào năm 2025.
Động thái này phản ánh mong muốn từ lâu của Moskva là khiến các cơ quan nhà nước ngừng sử dụng công nghệ nước ngoài. Một số nhà phân tích cho rằng sắc lệnh hiện hành sẽ ít có tác dụng xoa dịu mối nghi ngờ rằng các cơ quan tình báo phương Tây có thể tiếp cận thông tin nhạy cảm về hoạt động của chính phủ Nga. “Các quan chức thực sự tin rằng người Mỹ có thể sử dụng thiết bị của họ để nghe lén”, chuyên gia về an ninh và tình báo Nga Andrey Soldatov cho biết.
Một nhân vật khác cho biết các lệnh cấm tương tự đã được áp dụng hoặc sắp được thực thi tại Bộ Tài chính và Bộ Năng lượng cũng như các cơ quan chính phủ khác.
Hiện các bộ và chính phủ Nga chưa trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề trên. Thứ trưởng Bộ Thương mại Nga Vasily Osmakov cho biết lệnh cấm sẽ gồm cả việc gửi thư điện tử liên quan đến các hoạt động công việc qua điện thoại iPhone. Nhưng việc sử dụng chúng cho mục đích cá nhân vẫn được cho phép.
“Mọi người đều phàn nàn rằng điều đó thật bất tiện và họ phải mang theo một chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng khác”, một người cho biết thêm.
Ông Alexey Lukatsky, cựu nhân viên an ninh mạng người Nga, đã bày tỏ sự nghi ngờ về việc liệu các quan chức có chuyển vĩnh viễn sang sử dụng các thiết bị chạy hệ điều hành Aurora thô sơ do Nga sản xuất hay không.
Hành động của Moskva chống lại Apple bắt đầu sau khi FSB tuyên bố vào ngày 1/6 rằng họ đã phát hiện một hoạt động gián điệp của các cơ quan tình báo Mỹ sử dụng các thiết bị của Apple.
Theo FSB, vài nghìn chiếc iPhone - cả với thẻ SIM của Nga và những chiếc đã đăng ký với các cơ quan ngoại giao của Moskva ở các nước NATO cũng như Israel, Syria và Trung Quốc - đã bị “nhiễm” phần mềm giám sát. FSB cáo buộc Apple đã “phối hợp chặt chẽ” với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ.
FSB đưa ra tuyên bố trên mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Apple cung cấp cho các dịch vụ tình báo của Mỹ. Đại diện của hãng Apple đã phủ nhận các cáo buộc đó. “Quả táo cắn dở” tuyên bố rằng họ chưa bao giờ làm việc với bất kỳ chính phủ nào để xây dựng một cửa hậu vào bất kỳ sản phẩm nào của Apple và sẽ không bao giờ làm như vậy.