Hãng Bloomberg trích dẫn các nguồn giấu tên đưa tin ban lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bất đồng ý kiến trong kế hoạch sử dụng nguồn lợi nhuận tạo ra từ các tài sản Nga bị đóng băng theo lệnh trừng phạt của EU.
EU đã đóng băng các tài sản và dự trữ thuộc về nhà nước Nga trị giá khoảng 207 tỷ euro kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Khối tài sản trên dự kiến tạo ra khoảng 3 tỷ euro tiền thuế lợi tức phụ thu. Phần lớn số tiền đó được giữ tại công ty thanh toán khổng lồ Euroclear của Bỉ.
Các quan chức EU đã nhiều lần kêu gọi sử dụng tài sản đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine. Họ đã nhất trí thảo luận về cách sử dụng tiền lãi từ hồi tháng 6.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde hôm 13/7 đã cảnh báo rằng khoản đánh thuế đó có thể làm suy yếu đồng euro và khiến họ phải suy nghĩ lại.
Theo các nguồn tin, bà Lagarde nói rằng số tiền bị đóng băng của Nga lớn hơn nhiều so với vài tỷ euro tiền lãi sẽ đem lại cho Ukraine. Bà nói thêm mọi quyết định chỉ nên xảy ra nếu các quốc gia G7, trong đó có Canada, Nhật Bản, Anh và Mỹ, cũng tham gia.
Về phần mình, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis được cho là đã phản bác lập luận của bà Lagarde bằng cách nói rằng phần lợi nhuận trên không ảnh hưởng đến tài sản của Nga cũng như vai trò của EU trong việc bảo đảm an toàn chứng khoán.
Một số quốc gia thành viên ủng hộ quan điểm của bà Lagarde, trong khi những quốc gia khác lại phản đối.
Điện Kremlin đã nhiều lần mô tả hành động tịch thu tài sản của các chính phủ phương Tây là hành vi trộm cắp và không tuân theo luật pháp quốc tế.