Các nhà khảo cổ Seriba (Xécbia) vừa phát hiện xương của ít nhất 7 con voi ma mút tại một mỏ than.
|
Giới khoa học chưa từng phát hiện bất kỳ nghĩa trang voi ma mút nào. Ảnh: journallive.co.uk. |
Những mẩu xương voi ma mút, bao gồm một chiếc ngà có chiều dài gần 2 m, được phát hiện tại mỏ than Kostolac – nơi cách thủ đô Belgrade khoảng 70 km, AFP đưa tin.
Miomir Korac, trưởng nhóm chuyên gia khảo cổ, nói rằng họ đã đào được 7 bộ xương voi ma mút, trong đó 6 bộ xương nằm ở cùng độ sâu.
Ba năm trước những mẩu xương của một con voi ma mút cái cũng được phát hiện tại mỏ Kostolac. Kết quả phân tích cho thấy con voi này từng sống cách đây hơn một triệu năm. Các mẩu xương mới được phát hiện có niên đại nhỏ hơn nhiều – khoảng cách có thể lên tới 100.000 năm – và thuộc về một loài voi ma mút khác.
“Điều đó có nghĩa là những con voi ma mút sống ở khu vực khai quật trong khoảng thời gian khá dài. Đối với chúng tôi, dấu hiệu ấy cho thấy mỏ Kostolac có thể là một nghĩa trang của voi ma mút”, Korac nói.
Giới khoa học chưa từng tìm thấy bất kỳ nghĩa địa voi ma mút nào. Vì thế mỏ Kostolac có thể là nghĩa trang voi ma mút đầu tiên mà con người từng biết.
Hoạt động khai thác vẫn đang diễn ra tại mỏ than Kostolac. Vì thế công việc của những nhà khảo cổ gây có thể thiệt hại khoảng một triệu USD.
“Ý tưởng của chúng tôi là tăng tốc độ khai quật và làm việc cả ngày lẫn đêm. Nhưng chính phủ sẽ phải sớm đưa ra quyết định về số phận của mỏ than”, Korac phát biểu.
Voi ma mút là một chi voi cổ đại đã tuyệt chủng cách đây chừng 10.000 năm. Lông của chúng dài (lên tới 50 cm) và rậm hơn so với voi hiện đại. Ngà của voi ma mút dài và cong. Chân của chúng chỉ có 4 ngón, trong khi chân của voi hiện đại có 5 ngón. Do chân sau của voi ma mút ngắn nên trọng tâm của toàn thân nghiêng về phía sau, còn vai của chúng nhô cao.
Theo VnExpress.net